Brazil thành lập Hội đồng quốc gia Amazon

NDO -

NDĐT - Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 11-2 đã ký ban hành sắc lệnh thành lập Hội đồng quốc gia Amazon. Hoạt động dưới sự giám sát của Văn phòng Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao, hội đồng này có trách nhiệm tổ chức các hoạt động liên bộ nhằm "bảo vệ, giữ gìn và phát triển bền vững" khu vực rừng mưa Amazon.

Tình trạng chặt phá rừng Amazon tại bang Mato Grosso, Brazil, ngày 29-8-2019. (Ảnh: Getty Images)
Tình trạng chặt phá rừng Amazon tại bang Mato Grosso, Brazil, ngày 29-8-2019. (Ảnh: Getty Images)

Năm 1995, Brazil từng thành lập Hội đồng Amazon trực thuộc Bộ Môi trường, thành phần gồm một số cơ quan chính phủ và thống đốc của các bang trong khu vực rừng Amazon như Acre, Amapa, Amazonas, Para, Rondonia, Roraima, Tocantins, Mato Grosso và Maranhao.

Thông qua việc ký sắc lệnh nêu trên, Tổng thống Bolsonaro đã thành lập một hội đồng khác không có sự tham gia của thống đốc các bang nằm trong khu vực rừng mưa Amazon và hội đồng mới chỉ bao gồm 14 thành viên nội các nước này.

Theo Tổng thống Bolsonaro, việc thành lập Hội đồng quốc gia Amazon nhằm đáp lại những chỉ trích về cách xử lý của ông trong các chính sách môi trường. "Tôi hy vọng chúng ta có thể đưa ra câu trả lời xứng đáng cho những người chỉ trích chúng ta", ông Bolsonaro nói.

Số liệu do Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil công bố mới đây cho thấy, trong tháng 1 vừa qua, tình trạng chặt phá rừng tại rừng nhiệt đới Amazon đã cao gấp hai lần so cùng kỳ năm 2019, với 280 km2 rừng bị phát quang, tăng 108%. Số liệu về tình trạng rừng bị chặt phá trong cùng kỳ các năm 2019, 2018 và 2017 lần lượt là 136 km2, 183 km2 và 58 km2. Trong bối cảnh này, các nhà khoa học, cơ quan bảo vệ môi trường cảnh báo, tình trạng chặt phá rừng Amazon có nguy cơ gia tăng trong năm 2020.

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.

* "Lá phổi xanh" của trái đất dần trơ trụi trong giặc lửa