Bài toán an ninh lương thực

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, số người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp có thể tăng gần gấp đôi trong năm nay, lên đến 265 triệu người. Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi thế giới cần nhanh chóng hành động để chống nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực.

Người dân Kê-ni-a chờ nhận cứu trợ lương thực.
Người dân Kê-ni-a chờ nhận cứu trợ lương thực.

Theo thống kê của LHQ, khoảng 80% số người nghèo nhất và những người thiếu thực phẩm nhất trên thế giới sống ở khu vực nông thôn. Ngay cả khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, hơn 820 triệu người trên thế giới sống trong hoàn cảnh thiếu ăn hằng ngày. Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của LHQ cảnh báo, đại dịch có thể tác động xấu đến người nông dân và cộng đồng dân cư ở nông thôn, đẩy hàng triệu người vào tình trạng nghèo đói. Theo nhà kinh tế trưởng của WFP A.Hu-xa-in, chúng ta quen giải quyết cú sốc nguồn cung vì các lý do như thiên tai hay cú sốc về nguồn cầu như suy thoái kinh tế, nhưng trường hợp dịch bệnh hiện nay là cả hai cú sốc xảy ra cùng một lúc và ở cấp độ toàn cầu. Tình huống này chưa từng xảy ra đối với thế giới.

Theo giải thích của WFP, thương mại giúp củng cố an ninh lương thực tại các nước mà hoạt động sản xuất bị đình trệ. Hệ thống vận tải quốc tế đang vận chuyển đủ lương thực, thực phẩm cho 2,8 tỷ người. Tuy nhiên, gần 212 triệu người luôn thiếu lương thực và 95 triệu người thiếu lương thực trầm trọng tại các nước nghèo hơn. WFP cảnh báo, đại dịch đe dọa đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh thiếu lương thực và bị đói, nhất là tại châu Phi, nơi có vùng nam sa mạc Xa-ha-ra đã phải nhập khẩu hơn 40 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2018. Doanh thu du lịch, kiều hối giảm cũng như tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến thế giới có thêm khoảng 130 triệu người bổ sung vào danh sách 135 triệu người đói trong năm nay.

Lệnh phong tỏa ở các nước khiến nhiều nông dân sản xuất quy mô nhỏ không thể tiếp cận thị trường để bán sản phẩm, mua hạt giống hoặc phân bón. Việc đóng cửa các tuyến giao thông chính và cấm xuất khẩu của các nước cũng có khả năng tác động xấu đến hệ thống lương thực. Khi toàn bộ chuỗi sản xuất bị gián đoạn và tình trạng thất nghiệp gia tăng, những người dễ bị tổn thương nhất là lao động công nhật, người buôn bán nhỏ và lao động phi chính thức. Công nhân bị mất việc làm tại thành phố do nhà máy đóng cửa và trở về nhà sẽ gây thêm áp lực cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

IFAD kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức để tránh xảy ra một khủng hoảng lương thực, mối đe dọa đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu. Theo IFAD, với việc hành động ngay, người dân ở khu vực nông thôn được cung cấp các công cụ để thích nghi và bảo đảm phục hồi nhanh chóng, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. IFAD đã dành 40 triệu USD để hỗ trợ người nghèo ở khu vực nông thôn, đồng thời kêu gọi huy động thêm ít nhất 200 triệu USD từ các quốc gia thành viên, các quỹ và khu vực tư nhân để hỗ trợ những người nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tiếp tục sản xuất và bán thực phẩm, giảm ảnh hưởng của đại dịch đối với sản xuất lương thực, tiếp cận thị trường và việc làm. IFAD cũng đang cân nhắc khả năng cho phép người nông dân tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận kịp thời đầu vào sản xuất, thông tin, thị trường và nâng cao tính thanh khoản.

Đại dịch là vấn đề của cả thế giới hiện nay và cần phải có một giải pháp đối phó phối kết hợp trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, các quan chức LHQ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tính toán kỹ lưỡng để không gây thiếu hụt nguồn cung lương thực, tránh cho thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.