Anh tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục

NDO -

Theo Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 3-1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 84,96 triệu ca mắc Covid-19. Trong đó, 1,84 triệu người đã tử vong và 60,08 triệu người đã hoàn toàn bình phục.

Nhân viên y tế của Anh đưa người bệnh lên xe cứu thương để tới bệnh viện tại London. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế của Anh đưa người bệnh lên xe cứu thương để tới bệnh viện tại London. (Ảnh: Reuters)

Theo dữ liệu chính thức, nước Anh trong ngày 2-1 đã ghi nhận số ca mới mắc Covid-19 tiếp tục cao kỷ lục với 57.725 trường hợp và thêm 445 người bệnh tử vong. Đây là ngày thứ năm liên tiếp số ca bệnh mới ở quốc gia châu Âu này vượt mức 50 nghìn người.

Trước tình hình hiện nay, Chính phủ Anh đang đứng trước sức ép ngày càng lớn yêu cầu bãi bỏ kế hoạch mở cửa trở lại phần lớn các trường tiểu học ở vùng England. Trong đó, Hiệp hội các hiệu trưởng quốc gia, liên đoàn hiệu trưởng lớn nhất vùng, đã yêu cầu Chính phủ Anh cung cấp bằng chứng về sự an toàn khi cho phép mở cửa trở lại các trường học, còn Liên minh Giáo dục quốc gia thông báo với các thành viên của tổ chức rằng họ không phải làm việc trong môi trường không an toàn.

Đầu tuần này, Chính phủ Anh tuyên bố phần lớn các trường tiểu học sẽ mở cửa trở lại theo kế hoạch vào ngày 4-1, trong khi các học sinh trung học sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 11-1 để tham gia các kỳ thi và các đối tượng học sinh còn lại sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 18-1.

Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã bị chỉ trích vì những quyết định đảo ngược thường xuyên trong suốt thời kỳ đại dịch, trong đó có quyết định trì hoãn lệnh phong tỏa trong làn sóng Covid-19 đầu tiên hồi tháng 3-2020 và bãi bỏ cơ chế cho phép lên lớp mà không cần thi.

Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết Liên hiệp châu Âu (EU) sẵn sàng hỗ trợ các công ty mở rộng sản xuất vaccine phòng Covid-19 để giải tỏa "nút thắt" trong cung ứng.

Hãng tin DPA của Đức dẫn lời bà Kyriakides giải thích, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc đưa vaccine được phê duyệt vào sử dụng là bởi năng lực sản xuất thiếu hụt chứ không phải do kế hoạch của EU. Điểm nghẽn lúc này không phải vì lượng đơn đặt hàng mà là do thiếu năng lực sản xuất trên toàn thế giới.

Bà Kyriakides lưu ý rằng, Brussels đã cung cấp 100 triệu euro cho BioNTech của Đức, công ty đang hợp tác tập đoàn dược khổng lồ Pfizer của Mỹ, để giúp xây dựng năng lực sản xuất. Ủy viên EU cho biết khối sẵn sàng làm nhiều hơn nữa, cho Pfizer/BioNTech và các công ty khác có vaccine ứng viên, khi triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Bà Kyriakides cam kết tình hình sẽ được cải thiện từng bước, một tuần sau chiến dịch tiêm chủng tại các nước thành viên EU bắt đầu thực hiện với các tốc độ khác nhau. EU đã đàm phán để mua thêm vaccine từ BioNTech trong dài hạn và một lần nữa sẵn sàng hỗ trợ mở rộng năng lực sản xuất. Các nhà sản xuất khác mà EU có hợp đồng cũng đang chờ khối cấp giấy phép.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech vào ngày 21-12. Cơ quan này cũng đang xem xét vaccine tiềm năng của công ty Moderna (Mỹ) để có thể cấp phép trước ngày 6-1. EMA đang chờ thêm dữ liệu về một vaccine ứng viên từ AstraZeneca và Đại học Oxford, đã được phê duyệt ở Vương quốc Anh.

Nếu tất cả các vaccine ứng viên được chấp thuận, châu Âu có khả năng sở hữu hơn hai tỷ liều vaccine để sẵn sàng phục vụ toàn bộ 450 triệu người dân châu Âu và các khu vực lân cận. Theo bà Kyriakides, điều quan trọng nhất là toàn châu Âu có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay cùng nhau một cách nhanh nhất có thể.

Tại Mỹ, ít nhất bốn ca nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh đã được ghi nhận tại ba bang Colorado, California và Florida. Từ giữa tháng 12-2020 đến nay, Mỹ đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 2,8 triệu người. Chính quyền của Tổng thống Trump đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 20 triệu người tính đến thời điểm đầu năm mới 2021. Giới chức tại các bang đang ứng phó với đà tăng số ca mắc mới cho rằng, việc thiếu nhân viên đã qua đào tạo tiêm vaccine là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này.

Theo thống kê của một số hãng truyền thông của Mỹ, nước này đã khép lại năm 2020 với tháng ghi nhận nhiều ca tử vong và lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất. Chỉ trong tháng 12-2020, hơn 77 nghìn người đã qua đời và 6,4 triệu người tại Mỹ đã mắc Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 3-1 (giờ Việt Nam):

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 20.903.146 ca mắc, 358.656 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.324.631 ca mắc, 149.471 ca tử vong
3. Brazil: 7.716.405 ca mắc, 195.742 ca tử vong
4. Nga: 3.212.637 ca mắc, 58.002 ca tử vong
5. Pháp: 2.643.239 ca mắc, 64.921 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 758.473 ca mắc, 22.555 ca tử vong 
2. Philippines: 476.916 ca mắc, 9.253 ca tử vong
3. Myanmar: 125.616 ca mắc, 2.711 ca tử vong 
4. Malaysia: 117.373 ca mắc, 483 ca tử vong 
5. Singapore: 58.662 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 7.379 ca mắc, 64 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.482 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 379 ca mắc
9. Brunei: 157 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 41 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 24.034.415 ca mắc, 550.289 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 23.930.048 ca mắc, 520.659 ca tử vong 
3. Châu Á: 20.832.258 ca mắc, 339.668 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 13.296.034 ca mắc, 364.481 ca tử vong
5. Châu Phi: 2.823.457 ca mắc, 66.739 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 48.453 ca mắc, 1.059 ca tử vong

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba