Thế giới ngày qua

Ấn Độ: Kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, nhóm bốn nước gồm Bra-xin, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức (G4) ra tuyên bố chung nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cải cách toàn diện Liên hợp quốc (LHQ), nhất là Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) và các cơ quan ra chính sách, nhằm phản ánh đúng thực tế quốc tế hiện nay. 

Ấn Độ: Kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc

Niu Đê-li nhấn mạnh, quan điểm của G4 phù hợp cách tiếp cận của Ấn Độ về cải tổ LHQ, trong đó có việc tăng số ủy viên thường trực và không thường trực HĐBA; các nước G4 ủng hộ nhau ứng cử làm ủy viên thường trực HĐBA mở rộng. 

I-xra-en: Tăng cường hợp tác với UAE

Các Bộ trưởng Năng lượng I-xra-en và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) điện đàm, thảo luận về hợp tác và đầu tư, trong đó có việc liên kết lưới điện, phát triển thị trường khí đốt tự nhiên để xuất khẩu sang châu Âu. I-xra-en kêu gọi UAE tham gia Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) vừa được thành lập nhằm thúc đẩy một thị trường khí đốt khu vực bền vững.

* Trong khi đó, truyền thông khu vực dẫn nguồn tin giới chức A-rập Xê-út cho biết, nước này sẽ không hành động ngược lại sự đồng thuận của cộng đồng A-rập về vấn đề hòa bình Trung Đông; không đi theo mô hình của UAE và Ba-ren về bình thường hóa quan hệ với I-xra-en. Tuy nhiên, A-rập Xê-út nỗ lực cải thiện quan điểm tiêu cực đối với người Do thái. 

I-rắc: Tiếp tục mua khí đốt của I-ran

Giới chức I-rắc cho biết, chính quyền Mỹ tiếp tục gia hạn 60 ngày áp dụng quy định miễn trừ trừng phạt đối với việc I-rắc nhập khẩu khí đốt từ I-ran, phục vụ vận hành mạng lưới điện quốc gia. Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của I-ran từ cuối năm 2018, song có quy định miễn trừ đối với một số nước mua dầu khí của Tê-hê-ran, trong đó có I-rắc. 

Li-băng: Tháo gỡ bế tắc chính trị

Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi các phe phái tại Li-băng chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị trong nước và khởi động các biện pháp cải cách cần thiết để khôi phục kinh tế đất nước. Theo đó, nhanh chóng thành lập chính phủ mới đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân; thực hiện những thay đổi trong các lĩnh vực, như tài chính, ngân hàng và năng lượng.