Ai Cập bảo vệ nền kinh tế

Ai Cập quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng GDP, đồng thời đưa ra các biện pháp nhằm đưa nền kinh tế vượt qua thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Đất nước Kim tự tháp nỗ lực bảo vệ ngành du lịch khỏi những thiệt hại nặng nề có thể ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế.

Một điểm du lịch ở thành phố Lúc-xo, Ai Cập. Ảnh TWITTER
Một điểm du lịch ở thành phố Lúc-xo, Ai Cập. Ảnh TWITTER

Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Ai Cập H.Xa-hít thông báo, nước này hạ mục tiêu tăng trưởng GDP trong tài khóa 2019 - 2020 (kết thúc cuối tháng 6-2020) từ mức 5,6% xuống 5,1%, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại do tác động của dịch Covid-19. Trước đó, Ai Cập đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4,5% trong tài khóa 2020 - 2021, nhưng mức tăng này cũng sẽ được điều chỉnh xuống 3,5% nếu cuộc khủng hoảng y tế hiện nay kéo dài tới giữa năm 2020. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp diễn tới cuối năm nay, tỷ lệ lạm phát của Ai Cập dự kiến tăng lên 9,8%, do nhu cầu đối với một số sản phẩm như trang thiết bị y tế và khử trùng tăng cao.

Ai Cập đã chuẩn bị một số kịch bản về dự thảo ngân sách tài khóa tới, hướng tới mục tiêu duy trì ổn định tài chính quốc gia và thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thông qua kiềm chế mức thâm hụt ngân sách ở ngưỡng 6,3% GDP. Bên cạnh đó, dự thảo ngân sách tính tới các phương án tăng lương cho người lao động nhằm đưa mức tăng thu nhập cao hơn tỷ lệ lạm phát trung bình; phân bổ các khoản chi thúc đẩy hoạt động kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Dự kiến, Ai Cập dành 36 tỷ bảng (khoảng 2,3 tỷ USD) cho các kế hoạch phát triển giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) thông báo triển khai một gói giải pháp nhằm nới lỏng hoạt động tài chính và ngân hàng. Theo đó, CBE cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tăng mức trần thanh toán thẻ tín dụng, đồng thời miễn phí giao dịch tại các máy rút tiền tự động (ATM) trong vòng sáu tháng tới. CBE cũng kêu gọi các khách hàng tăng cường sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thay vì sử dụng tiền mặt. CBE đã thông báo đợt cắt giảm lãi suất lớn nhất kể từ khi Ai Cập thả nổi đồng nội tệ hồi tháng 11-2016, với việc hạ ba điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống ngưỡng 9,75%. Động thái này nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong nước, ứng phó những thách thức từ môi trường toàn cầu. Những biện pháp này được triển khai tương ứng với định hướng của Chính phủ Ai Cập nhằm ứng phó dịch Covid-19, bảo đảm sự ổn định của hệ thống ngân hàng và hỗ trợ nền kinh tế.

Một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề là ngành du lịch của Ai Cập, với ước tính thất thu khoảng một tỷ USD/tháng sau quyết định đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến và đi từ quốc gia Bắc Phi này do dịch bệnh. Ai Cập đang đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ ngành du lịch, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Doanh thu của ngành du lịch Ai Cập đạt kỷ lục 12,57 tỷ USD trong tài khóa kết thúc cuối tháng 7-2019 và viễn cảnh ảm đạm sắp tới khiến đất nước Kim tự tháp đối mặt không ít thách thức.

Bộ trưởng Tài chính Ai Cập M.Ma-a-ít khẳng định, nền kinh tế Ai Cập đã phục hồi và có thể giải quyết các thách thức kinh tế, nhất là trụ vững trước những cú sốc toàn cầu. Chính phủ Ai Cập sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đạt được các mục tiêu tài chính và duy trì ổn định chỉ số phát triển kinh tế vĩ mô.