Những chặng đường lịch sử vẻ vang của Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào

Cách đây tròn 50 năm, từ ngày 22-3 đến 6-4-1955, tại tỉnh Hủa-phăn giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, dưới sự chủ trì của đồng chí Kayson Phonvihance, đã diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Ðảng NDCM Lào. Từ đó đến nay, đã trải qua bảy kỳ đại hội của Ðảng ghi những dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò tiên phong của Ðảng trong công cuộc giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước Lào

Cách đây tròn 50 năm, từ ngày 22-3 đến 6-4-1955, tại tỉnh Hủa-phăn giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, dưới sự chủ trì của đồng chí Kayson Phonvihance, đã diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Ðảng NDCM Lào với sự tham gia của 25 đại biểu đại diện cho gần 400 đảng viên trên cả nước. Ðại hội nhất trí khẳng định sự cần thiết phải có một Ðảng Mác- Lê-nin chân chính của giai cấp công nhân Lào kế tục sự nghiệp Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo cách mạng Lào. Ðại hội quyết định lấy tên là Ðảng Nhân dân Lào [sau này đổi tên thành Ðảng Nhân dân Cách mạng - (NDCM) Lào], bầu đồng chí Kayson Phonvihance làm Tổng Bí thư đầu tiên của Ðảng và đề ra đường lối phù hợp xu thế thời đại, đó là "lãnh đạo toàn dân Lào đoàn kết đấu tranh, thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng đất nước Lào thành một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng".

Với đường lối đúng đắn và sáng tạo, với hình thức tiến hành cách mạng, đấu tranh cách mạng phong phú và khoa học, Ðảng NDCM Lào đã huy động tối đa sức mạnh của cả dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh của liên minh nhân dân ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia,  đưa cách mạng Lào đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thành tựu của việc Ðảng đề ra chính sách hòa bình, trung lập, vận động nhân dân đấu tranh chính trị, là ký Hiệp định Viêng Chăn năm 1957, lập Chính phủ Liên hiệp quốc gia lần thứ nhất với sự tham gia của đại diện Mặt trận Lào yêu nước. Giữa năm 1959, phe đối lập phá hoại Chính phủ liên hiệp và sự hòa hợp dân tộc, bắt giam một số cán bộ lãnh đạo, Ðảng chuyển hướng đấu tranh sang phát động toàn dân khởi nghĩa, dẫn tới cuộc đảo chính ngày 9-8-1960. Tận dụng lợi thế hợp pháp của chính phủ trung lập, hợp tác toàn diện với lực lượng trung lập yêu nước, Ðảng đã phát triển mạnh lực lượng vũ trang cách mạng, giải phóng hai phần ba lãnh thổ và một phần hai số dân cả nước, đưa đến đàm phán ba bên ở Thồng-hủy-hỉn tháng 6-1962 về vấn đề Lào. Sau khi Hiệp định Geneva về Lào được ký, Chính phủ Liên hiệp quốc gia lần thứ hai được thành lập ngày 22-6-1962  với sự tham gia  ở vị trí cao hơn trước của Mặt trận Lào yêu nước.

Tháng 4-1964, bọn phản động lật đổ Chính phủ Liên hiệp ba bên. Ngày 17-5-1964, đế quốc Mỹ cho máy bay bắn phá khu giải phóng, tiến hành các chiến dịch Xâm-xỏn, Xỏn-xay, Cụ-kiệt, Thu-nông-kiệt, Lam-sỏn 719... Ðảng chỉ đạo kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, phát động chiến tranh nhân dân rộng khắp, vừa chiến đấu vừa ra sức xây dựng, phối hợp sức mạnh liên minh chiến đấu với quân đội và nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và giúp đỡ quốc tế. Bằng sức mạnh tổng hợp to lớn đó, quân và dân Lào đã đập tan chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

Ngày 21-2-1973, Hiệp định khôi phục hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết đưa đến việc thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời quốc gia lần thứ ba (tháng 4-1975). Nắm thời cơ nghìn năm có một mở ra từ tình hình cách mạng trong nước chín muồi và thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam, Ðảng NDCM Lào quyết định giáng đòn chiến lược vào kẻ thù, đã lãnh đạo quân, dân cả nước đập tan bộ máy và lực lượng phản động giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-12-1975, Ðại hội đại biểu  nhân dân toàn quốc họp tại Viêng Chăn thống nhất thông qua Nghị quyết lịch sử xóa bỏ chế độ quân chủ, lập nên nước CHDCND Lào đưa đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Sau đó, Ðảng NDCM Lào lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, thu được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản đưa đất nước đi lên CNXH. Ðảng đã đề ra và lãnh đạo thực hiện đường lối chính trị và chính sách đối ngoại đúng đắn. Do sức mạnh đại đoàn kết toàn Ðảng, toàn dân, do chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dũng cảm, bất khuất của nhân dân các bộ tộc Lào, kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý luận cách mạng, do kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, Ðảng đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Ðảng NDCM Lào không ngừng lớn mạnh. Các Ðại hội của Ðảng ghi những dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò tiên phong của Ðảng trong công cuộc giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước Lào:

Ðại hội lần thứ I (22-3-1955)

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 22-3-1955 với các đại biểu ưu tú của những người cộng sản Lào - đảng viên Ðảng CS Ðông Dương trước đây - tiến hành Ðại hội thành lập Ðảng Nhân dân Lào (tức Ðảng NDCM Lào ngày nay). Ðại hội Ðảng đề ra nhiệm vụ cách mạng trước mắt là: "Ðoàn kết, lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hòa bình, dân chủ, thống nhất và độc lập".

Ðại hội lần thứ II (tháng 2-1972)

Ðại hội lần thứ II của Ðảng được triệu tập tháng 2-1972, gồm 125 đại biểu, đại diện cho hơn 21 nghìn đảng viên trong cả nước. Ðại hội định ra Cương lĩnh chính trị, với nội dung: "Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước... xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng; tích cực góp phần vào công cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Ðông Dương, Ðông - Nam Á và trên thế giới".

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ II của Ðảng, quân và dân Lào anh dũng  tiếp tục đánh bại cuộc chiến tranh  xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước, xóa bỏ chế độ phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc, thành lập nước CHDCND Lào, đi vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ðại hội lần thứ III (tháng 4-1982)

Ðại hội lần thứ III của Ðảng họp tại thủ đô Viêng Chăn với 228 đại biểu, đại diện cho 35 nghìn đảng viên trong cả nước. Ðại hội thông qua Báo cáo chính trị, quyết định đường lối chung và những mục tiêu cơ bản của cách mạng Lào trong thời kỳ quá độ, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Ðại hội xác định hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ðại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm năm lần thứ nhất (1981 - 1985).

Ðại hội lần thứ IV (tháng 11-1986)

Ðại hội tiến hành tại thủ đô Viêng Chăn với 298 đại biểu, đại diện cho 40 nghìn đảng viên của Ðảng.

Ðại hội thông qua Báo cáo chính trị với nội dung: Tổng kết sâu sắc cả hai mặt thành công và chưa thành công của công cuộc mười năm bảo vệ và xây dựng đất nước; định ra  hai nhiệm vụ, bước đi trong công cuộc đổi mới toàn diện của sự nghiệp cách mạng Lào xuất phát từ đặc điểm cụ thể ở Lào và phù hợp bối cảnh mới của thế giới. Ðại hội cũng thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm lần thứ hai (1986- 1990). Ðại hội bầu Ban Chấp hành T.Ư mới, gồm 60 đồng chí.

Ðại hội lần thứ V (từ tháng 3-1991)

Hơn 500 đại biểu và khách mời, trong đó có 367 đại biểu chính thức của các đảng bộ cơ sở tới dự Ðại hội. Ðại hội xem xét, đánh giá quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Ðảng; khẳng định những thành tựu đạt được, phê phán nghiêm khắc  những khuyết điểm và rút ra những bài học vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn. Ðại hội lần này  thể hiện sự đổi mới sâu sắc về tư duy, tư tưởng, tổ chức và phong cách công tác của Ðảng. Ðại hội chứng minh cho sự đoàn kết thống nhất, sự trưởng thành, vững vàng về mọi mặt của Ðảng.

Ðại hội bầu Ban Chấp hành T.Ư, gồm 55 đồng chí Ủy viên chính thức và bốn đồng chí Ủy viên dự khuyết.

Ðại hội lần thứ VI (tháng 3-1996)

Ðại hội lần thứ VI họp từ ngày 18 đến 20-3-1996 tại thủ đô Viêng Chăn, gồm 381 đại biểu, đại diện cho 78 nghìn đảng viên. Ðại hội xem xét quá trình tiến hành công cuộc đổi mới và việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ V, đánh giá khách quan những thành tựu và thiếu sót, tổng kết và rút ra những kinh nghiệm. Ðại hội định ra những chủ trương  lớn, đề ra những phương hướng, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại nhằm tiếp tục thực hiện đường lối cơ bản về xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân tạo cơ sở và thế vững chắc tiến vào thế kỷ 21. Ðại hội thảo luận và biểu quyết về Ðiều lệ Ðảng sửa đổi, bầu BCH T.Ư Ðảng khóa VI, gồm 49 đồng chí.

Ðại hội lần thứ VII (tháng 3-2001)

Ðại hội lần thứ VII của Ðảng họp tại Viêng Chăn với 452 đại biểu, đại diện cho hơn 100 nghìn đảng viên đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của BCH T.Ư, Ðiều lệ sửa đổi của Ðảng, kế hoạch năm năm 2001-2005, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong 10 năm đầu, và 20 năm đầu của thế kỷ 21 và bầu BCH T.Ư Ðảng khóa mới gồm 53 ủy viên.

Ðại hội khẳng định đường lối tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tạo các tiền đề đi lên CNXH, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân các bộ tộc Lào xây dựng nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh.

Toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các bộ tộc Lào đang sôi nổi thi đua lao động sản xuất, học tập, lập thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2005 hoàn thành mục tiêu mà Ðại hội lần thứ VII đề ra, tiến tới Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước Lào thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.