Xây dựng, phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa

NDO -

Ngày 4-7, tại Thanh Hóa, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo.

Thanh Hóa có vị trí, vai trò quan trọng trong mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước; nơi có cả ba vùng địa lý cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh. Đưa chủ trương, chính sách lớn của Đảng, nhà nước vào cuộc sống, 10 năm trở lại đây, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa giành được những thành tựu quan trọng, to lớn, có tính bứt phá.

Căn cứ kết quả 10 năm triển khai các chủ trương lớn của Đảng, các kiến nghị của Thanh Hóa và các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương; thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2020, Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo 281-QĐ/TW triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng đề án.  

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, các viện, trường đại học tiếp tục chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế, đánh giá tình hình phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, phát huy thế mạnh kinh tế biển, hiện trạng nguồn nhân lực và dự báo tương lai phát triển cùng những thời cơ, thử thách đặt ra. Một số tham luận nhấn mạnh tới việc giữ gìn thiết chế, tính cộng đồng bền vững của văn hóa làng, phát huy giá trị văn hóa, tài nguyên nhân văn, chăm lo nguồn lực con người đáp ứng thời kỳ hội nhập, phát triển.

Lắng nghe, ghi nhận các tham luận, ý kiến thảo luận tâm huyết, trách nhiệm tại hội thảo,  đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo 218  nhấn mạnh: Thanh Hóa có địa chính trị, địa kinh tế, vị trí chiến lược về an ninh-quốc phòng. Trên cơ sở đánh giá toàn diện mọi tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa, Bộ Chính trị nhận thấy Thanh Hóa có điều kiện vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng, động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực Bắc Trung Bộ, miền Trung, có tác động lan tỏa cho cả nước.

Nhằm giúp Thanh Hóa tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, có bước phát triển đột phá trong giai đoạn tới, Ban chỉ đạo 218 tập trung xây dựng đề án về phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi, dựa trên thế mạnh, tiềm năng hiện có, thời gian tới cần tập trung phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp nhưng phải có bước đi, lộ trình cho từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm cho từng vùng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu, sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô, thay vào đó là tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn cho tỉnh, tiếp tục phát triển ngành công nghiệp nặng ở Thanh Hóa. Với đặc thù đất rộng, người đông, tỉnh cần quan tâm phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế, thu nhập của nhân dân, ổn định xã hội; khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người, phục vụ quá trình phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh. 

Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình dự và chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng đề án và đề nghị Ban chỉ đạo tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo; đồng thời tiếp tục  lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương, bổ sung cơ sở khoa học, thực tiễn để hoàn thiện đề án, chuẩn bị trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", nhất là có cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, hiện thực hóa căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”.