Tìm hiểu nội dung các văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng

Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam

Các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trình diễn ngâm Kiều.
Các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trình diễn ngâm Kiều.

Chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam là vấn đề không phải bây giờ mới được đặt ra. Ngay từ Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đã nêu lên việc "Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam". Báo cáo chính trị của BCH T.Ư tại Ðại hội lần thứ XII của Ðảng (2016) nói đến việc "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Ðúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" (1). Trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ XIII vừa qua (2021), ta đọc thấy: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" (2).

So sánh ba văn kiện trên, ta thấy về công việc đã có sự chuyển biến từ "hoàn thiện" qua "xây dựng", rồi tiến đến "tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng… gắn với giữ gìn, phát triển…". Về đối tượng, đã có sự chuyển biến từ "các chuẩn mực giá trị" qua "hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực"; rồi tiến đến "hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người", cùng với đó là "hệ giá trị gia đình". Rõ ràng, ở văn kiện mới, công việc cần làm và cái đích cần đạt tới lại hiện lên một cách đầy đủ hơn, khái quát hơn, chặt chẽ hơn, đồng thời cũng cụ thể hơn và rõ ràng hơn.

Vậy hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người là gì? Nói đến văn hóa là nói đến giá trị, giá trị văn hóa chính là cái làm cho con vượn trở thành người. Những giá trị này không phải là một tập hợp hỗn độn mà tạo thành một hệ thống với cấu trúc nội tại chặt chẽ. Giống như câu chuyện con gà và quả trứng, văn hóa và con người có quan hệ tương tác qua lại với nhau: Con người là chủ thể tạo ra văn hóa; đến lượt mình, văn hóa là hệ giá trị tạo nên con người, làm cho con người trở nên mỗi ngày mỗi hoàn thiện hơn. Do vậy, trong hệ thống giá trị văn hóa đã chứa đựng hệ thống chuẩn mực con người; nói "hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người" chính là tách ra để nhấn mạnh thêm, làm rõ hơn.

Câu hỏi tiếp theo là vì sao trong thời điểm này, chúng ta lại quan tâm nhiều tới việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người đến như vậy? Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người luôn tồn tại một cách khách quan, bất kể ta có nhận thức được sự tồn tại của chúng hay không. Tuy nhiên, nếu nhận thức được và chủ động hoàn thiện, xây dựng chúng thì con người và xã hội con người sẽ phát triển nhanh hơn, đúng hướng hơn. Ðiều này đặc biệt quan trọng mỗi khi lịch sử trải qua những bước ngoặt lớn. Giai đoạn hiện nay chính là một thời điểm như thế. Trên phạm vi quốc tế, các quốc gia đang từ chỗ tồn tại biệt lập chuyển sang phải liên kết với nhau để cùng tồn tại; từ chỗ phân cực đối đầu chuyển sang phải hợp tác với nhau để cùng phát triển. Trong phạm vi quốc gia, nước ta từ một nền kinh tế chỉ huy, bao cấp đang chuyển mạnh sang "hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", từ một xã hội nông nghiệp - nông thôn - nông dân đang chuyển mạnh sang một xã hội công nghiệp - đô thị - công dân; từ một hệ giá trị lấy ổn định làm mục tiêu chuyển sang một hệ giá trị lấy phát triển làm đích đến.

Trong bối cảnh ấy, không thể tránh khỏi có sự xung đột về hệ giá trị. Một khi các hệ giá trị cũ mới xung đột với nhau, sẽ có những cái xưa từng là giá trị hiển nhiên nay có thể trở nên lỗi thời, cần phải loại bỏ; lại có những cái xưa không được thừa nhận nay đang trở thành giá trị phải chấp nhận, không thể từ chối hoặc bỏ qua. Ðây là lúc cái tốt cái xấu đang đan xen nhau; cái bảo thủ và cái tiến bộ đang cùng tồn tại, đấu tranh với nhau, khó bề phân biệt. Bởi vậy nếu không sớm chủ động nhận thức, hoàn thiện và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người, để thúc đẩy việc chuyển đổi diễn ra một cách tích cực thì quá trình này sẽ diễn ra khó khăn và chậm chạp, chúng ta sẽ sa lầy trong mớ bùng nhùng, bị nhốt dưới cái "trần thủy tinh" vô hình mà không biết là mình đang bị nhốt và do vậy khó bề thoát ra.

Trong những năm qua, các quốc gia đang trong giai đoạn biến động mạnh đều đã rất tích cực xây dựng hệ giá trị. Ở Trung Quốc, từ năm 1981, Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành văn bản "Năm Chuẩn mực, Bốn Phẩm chất, Ba Tình yêu" như một hệ giá trị định hướng; từ năm 2006 đã đề xuất khái niệm "Hệ thống giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa"; và vào năm 2013, Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố "Hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa" mới gồm 12 giá trị quy về ba nhóm Quốc gia, Xã hội và Cá nhân. Ở Ðông - Nam Á, từ năm 1945, In-đô-nê-xi-a đã xây dựng hệ giá trị Pancasila gồm Năm nguyên tắc. Ma-lai-xi-a công bố năm "Nguyên tắc quốc gia" (gọi là "Rukun Negara") vào năm 1970. Ở Xin-ga-po, Quốc hội đã thông qua năm "Giá trị chung của Xin-ga-po" vào năm 1991. Phi-li-pin có hệ giá trị bao gồm chín yếu tố. Thái-lan có hệ thống "12 giá trị cốt lõi cho người Thái" được Chính phủ công bố vào năm 2014…

Mọi hệ giá trị mới xây dựng đều gồm hai bộ phận là những giá trị truyền thống tốt đẹp cần bảo tồn, chỉnh sửa và những giá trị mới được bổ sung, thay thế cho những cái lỗi thời. Ðể xây dựng được hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, điều quan trọng nhất là cần nghiên cứu để xác định được những giá trị truyền thống nào cần được bảo tồn và phát triển, những giá trị nào đang trong quá trình suy thoái, và những cái gì đang là thói hư tật xấu (phi giá trị) cần phải loại bỏ.

Trong ba việc ấy, kinh nghiệm cho thấy cần kíp và quan trọng nhất, và cũng khó khăn nhất, luôn luôn là việc xác định và thừa nhận các thói hư tật xấu (phi giá trị). Cần kíp và quan trọng bởi sẽ không thể nói đến việc chữa bệnh nhanh nếu người bệnh không nhận ra và thừa nhận là mình có bệnh. Khó khăn là vì người Việt Nam có truyền thống "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", "Không vạch áo cho người xem lưng". Trong khi đó, ở những giai đoạn chuyển mình, có sự xung đột hệ giá trị, thì các tật xấu thường nổi lên, có khi còn rõ hơn cả những giá trị, cho nên sự cần kíp, quan trọng và khó khăn càng tăng lên gấp bội.

Về mặt này, có thể nói Ðảng ta đã có cái nhìn thật sự dũng cảm, khách quan. Bên cạnh việc ghi nhận đúng mức những thành tích và cố gắng, trong nhiều năm qua, Ðảng ta đã thẳng thắn xác định rằng số lượng cán bộ, đảng viên suy thoái là "một bộ phận không nhỏ", đã quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực "không có vùng cấm", đã đưa ra ánh sáng những sai phạm của không ít lãnh đạo cao cấp, từ bộ trưởng đến Ủy viên Bộ Chính trị. Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII vừa qua tiếp tục thẳng thắn thừa nhận: "Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần"; "Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực"; "Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội" (3).

Trong đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về hệ giá trị do chúng tôi thực hiện (nghiệm thu năm 2016) có tiến hành một cuộc điều tra toàn quốc về giá trị với hơn 5.000 người tham gia đã xác định có 10 phi giá trị được hơn 55% người tham gia thừa nhận là có tác hại nghiêm trọng. Ðó là: Bệnh giả dối, nói không đi với làm (81%), bệnh thành tích (75,1%), bệnh thiếu ý thức pháp luật (68,2%), nạn tham nhũng (66,6%), bệnh đối phó (59,8%), bệnh nói xấu sau lưng (58,2%), nạn quan liêu, cửa quyền (57,6%), bệnh hình thức (57%), thói dựa dẫm (56,3%), bệnh sĩ diện, háo danh (55,5%) (4).

Ðề tài đã đề xuất một mô hình hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm với hai giá trị phổ biến thuộc phạm vi toàn xã hội là dân chủ và Pháp quyền cùng tám giá trị thuộc về con người cá nhân gom thành bốn cặp là: Yêu nước và nhân ái, trung thực và bản lĩnh, trách nhiệm và hợp tác, tính khoa học và sáng tạo (5). Dân chủ và Pháp quyền là hai giá trị đi liền với nhau, hỗ trợ cho nhau; dân chủ là giá trị đi từ dưới lên, pháp quyền là giá trị đi từ trên xuống, hai giá trị này giúp khắc phục nạn quan liêu cửa quyền, nạn tham nhũng, bệnh thiếu ý thức pháp luật. Yêu nước và Nhân ái là hai giá trị truyền thống được bảo tồn, song với cách hiểu cần được bổ sung, điều chỉnh: Yêu nước không chỉ khi quốc gia hữu sự mà cả khi hòa bình; nhân ái không chỉ với người quen mà cả với người lạ ngoài xã hội. Trung thực và Bản lĩnh là hai giá trị con người rất cần cho thời hội nhập: Trung thực giúp khắc phục bệnh giả dối, nói không đi với làm; bản lĩnh giúp khắc phục thói dựa dẫm. Trách nhiệm và Hợp tác là hai giá trị con người trong quan hệ với đồng loại ở quy mô xã hội mà người Việt Nam còn thiếu. Tính khoa học và Sáng tạo là hai giá trị con người trong thời đại công nghiệp và kinh tế tri thức mà người Việt Nam cần có. Các giá trị này sẽ giúp khắc phục các bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh bè phái, bệnh đối phó, bệnh nói xấu sau lưng, bệnh sĩ diện, háo danh…

Ý chí và khát vọng phát triển, chúng ta có thừa. Sức mạnh con người, chúng ta không thiếu. Ðường lối chủ trương của Ðảng, chúng ta có đủ. Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, chúng ta có thể xây dựng. Việc cuối cùng còn lại là quyết tâm hiện thực hóa hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, từ bỏ sự tự mãn trong những thành tích ảo.

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm

Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh

------------------------------------------------

(1) Ðảng CSVN (2016). Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H., Văn phòng Trung ương Ðảng, tr. 126, 127.

(2) Ðảng CSVN (2021). Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H., NXB CTQG ST, tập 1, tr.143.

(3) Ðảng CSVN (2021). Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H., NXB CTQG ST, tập 1, tr. 84, 85.

(4) Trần Ngọc Thêm (2016). Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai. NXB Văn hóa - Văn nghệ, tr.433; Trần Ngọc Thêm (2017). Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, NXB CTQG ST, 2018, tr.465.

(5) Trần Ngọc Thêm (2016). Sách đã dẫn, tr.470; Trần Ngọc Thêm (2017). Sách đã dẫn, tr.504 - 505.