Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, đưa kinh tế đất nước phát triển nhanh, bền vững

Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đã đề ra mục tiêu: “Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại…”. Trong đó, kết cấu giao thông là một trong bốn lĩnh vực trọng tâm với yêu cầu: “bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ...”.

Nâng cao tiềm lực cạnh tranh nền kinh tế

Sau hơn bảy năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 13-NQ/TW, kết cấu hạ tầng giao thông nước ta gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Một số công trình giao thông được quy hoạch và đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại như đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới, góp phần tạo diện mạo mới, phát triển kinh tế - xã hội đất nước mạnh mẽ. Theo đó, đã quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm bắc - nam; các cửa khẩu, sân bay, cảng biển quốc tế và các tuyến đường vành đai đô thị có nhu cầu vận tải lớn với tổng chiều dài hơn 6.400 km; tuyến đường sắt tốc độ cao bắc - nam và hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Lạch Huyện, Vân Phong và Cái Mép - Thị Vải); mạng đường bay theo mô hình nan quạt với tần suất khai thác cao tại hai đầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...

Giai đoạn 2012 - 2020, lĩnh vực đường bộ đã hoàn thành đầu tư 880 km đường cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.041 km. Mạng lưới quốc lộ đạt gần 24.600 km, tăng thêm 5.757 km so với năm 2011, trong đó quốc lộ 1 đã được mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối xuống miền Đông Nam Bộ; nhiều quốc lộ trọng yếu được đầu tư, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn; rất nhiều công trình cầu, hầm cấp đặc biệt, cấp I được xây dựng. Về đường sắt, nỗ lực nâng cao an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu và cải thiện dịch vụ, nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hành khách. Năng lực vận tải đường thủy cũng được nâng cao nhờ tập trung đầu tư nâng cấp một số tuyến tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; mở tuyến vận tải ven biển giúp giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Ngành hàng hải đã đủ khả năng đảm nhận khoảng từ 80% - 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của đất nước. Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm, gấp từ 2 - 3 lần so năm 2011. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lớn từ 130 nghìn - 200 nghìn tấn (DWT). Ngành hàng không có bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 16% - 18%/năm, bằng 2,5 - 2,9 lần tăng trưởng GDP, góp phần phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh, khẳng định chủ quyền quốc gia. Các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng) và xây dựng mới (Phú Quốc, Vân Đồn), nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm, tăng 2,5 lần so năm 2011,... Những kết quả đầu tư về hạ tầng giao thông nêu trên đã góp phần đưa tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế nâng lên một bước, giúp đất nước phát triển nhanh và toàn diện.

Mặc dù đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông đạt được nhiều thành tựu quan trọng; tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông đất nước ta vẫn còn là điểm nghẽn đối với nhu cầu phát triển đất nước như đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra; hệ thống đường sắt lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; cảng biển chưa khai thác hết công suất; một số cảng hàng không đã quá tải,... cho nên chưa hình thành được hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Nguyên nhân chính là do khó khăn về nguồn lực đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được cân đối, bố trí chỉ đáp ứng khoảng 24% nhu cầu đầu tư phát triển, trong điều kiện hành lang pháp lý kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, không hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro,...

Giao thông “đi trước mở đường”

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, nền kinh tế có độ mở lớn. Nước ta đã có mức thu nhập trung bình và trong điều kiện yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng giao thông có xu hướng giảm mạnh. Môi trường xã hội mở, kinh nghiệm xây dựng chính sách, quản lý còn yếu, ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 dẫn đến nhiều chỉ tiêu cần thiết để hoạch định chính sách khó dự báo. Vì vậy, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần phải xác định trong tầm nhìn dài hạn từ 10 - 20 năm, nhưng lại phải đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng thời kỳ trung hạn 5 năm cho nên cần có sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và sự chia sẻ của các địa phương. Giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược quan trọng cần ưu tiên đầu tư phát triển, đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững. Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, cần lựa chọn một số công trình trọng điểm có tính đột phá để thực hiện đầu tư, kiến tạo động lực phát triển quốc gia. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để phục vụ khát vọng phát triển dân tộc với mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững.

Hiện nay, năng lực của hệ thống đường bộ còn hạn chế, mạng đường bộ mới có khoảng 1.139 km đường cao tốc, bằng một phần sáu lần các nước đang phát triển trong khu vực. Vì vậy, cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển đường bộ cao tốc để tạo nên các trục xương sống của mạng lưới giao thông quốc gia đến năm 2030. Xét trên các hành lang vận tải, hành lang bắc - nam kết nối Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm được xác định là hành lang vận tải quan trọng nhất, rất cần thiết phải ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế. Trong giai đoạn tới, phải nối thông toàn tuyến cao tốc bắc - nam (cần đầu tư hoàn thành khoảng 1.300 km) và một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn; hoàn thành sân bay Long Thành giai đoạn 1. Về đường sắt, nâng cấp và khai thác hiệu quả tuyến đường sắt bắc - nam. Về hàng không, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài, đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đồng thời, chuẩn bị đầu tư các công trình đột phá kỳ trung hạn 2026 - 2030, như đường sắt tốc độ cao bắc - nam (ưu tiên Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang), đường sắt kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải, đường sắt xuyên Á,...

Với mục tiêu đầu tư nêu trên, giai đoạn 2021 - 2025, sơ bộ tính toán nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 759 nghìn tỷ đồng, trong đó cân đối từ ngân sách khoảng 462 nghìn tỷ đồng, huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 297 nghìn tỷ đồng,... Để phù hợp nguồn lực quốc gia, cần giãn tiến độ một số mục tiêu chưa thật sự cấp bách. Trong giai đoạn này, cần phân bổ lại thị phần vận tải, nhất là ngành đường sắt, hàng không; tiếp tục phát triển mạng lưới đường bộ sánh ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới; quản lý giao thông bằng thể chế hiện đại, hiệu quả để phục vụ nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, đưa vào khai thác khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và hơn 80% các địa phương trong cả nước đều có đường bộ cao tốc đi qua tạo trục xương sống cho các hành lang vận tải chủ yếu. Triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao bắc - nam; phát triển mạng đường sắt đô thị,...

Ngành giao thông vận tải xác định nhiệm vụ phát triển giao thông trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện các đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước hiện nay tỷ lệ đầu tư cho mạng giao thông quốc gia của Việt Nam khoảng từ 1 - 1,5%/năm, trong khi Ngân hàng Thế giới khuyến cáo nên dành khoảng 2,5%/năm. Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực, có cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; khai thác hiệu quả nguồn lực từ tài sản công, từ đất đai để tạo vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, phí, hỗ trợ tài chính theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển vận tải khách công cộng, vận tải đa phương thức,... Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, ngành giao thông vận tải sẽ nỗ lực, phấn đấu hết sức mình và vững tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại.