Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phải là trọng điểm của trọng điểm

Ngày 30-5, tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn công tác Chính phủ dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng địa phương và cả vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; đồng chí Trịnh Ðình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư và tám tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương sự quyết liệt của các địa phương cùng nhân dân đẩy lùi bệnh dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn phức tạp, thế giới chưa có vắc-xin để chữa và dịch vẫn có nguy cơ quay trở lại bất kỳ lúc nào. "Chúng ta không được chủ quan với dịch bệnh, nếu để dịch quay lại sẽ là trách nhiệm rất lớn của chính quyền các địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng vui mừng khi các tỉnh, thành phố trong vùng vẫn chưa thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã giao và cho biết hội nghị này "chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi". "Trong tương lai, đây sẽ là vùng kinh tế trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm", Thủ tướng cho biết.

Với quyết sách đúng đắn, kịp thời, đặc biệt là quyết sách "chống dịch như chống giặc", cách ly tập trung không để lây lan ra cộng đồng, nước ta đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khủng hoảng sau đại dịch, việc tổ chức hội nghị nhằm mục đích tìm ra quyết sách để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần có ý kiến để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành cùng lắng nghe để đưa ra quyết sách đúng. Bởi đây là những địa phương quan trọng của cả nước (chiếm 43% GDP của cả nước), trong đó vị trí dẫn đầu là
TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương. Các tỉnh Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh là các tỉnh có vị trí lan tỏa cho sự phát triển của vùng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đề xuất các giải pháp khai thác, phát huy tốt hơn nữa động lực tăng trưởng mới để thay thế, bù đắp những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19. Sau khi nghe kiến nghị của các địa phương, cũng như ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành cần đẩy nhanh việc hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp. Theo đó, cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; nghiên cứu gói hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm; yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu việc tham gia của các tổ chức tín dụng đối với các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án trọng điểm khác; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch đất để dành đất cho khu công nghiệp, khu đô thị; giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư điều chỉnh quy hoạch đáp ứng yêu cầu của địa phương, quốc gia để đón làn sóng đầu tư mới, thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ. Thủ tướng đặc biệt lưu ý tình trạng thôn tính doanh nghiệp Việt Nam thông qua mua bán doanh nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, dự án cầu Phước An nối hai tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu,...