Vĩnh Long đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử

Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số. Ðó là nội dung trọng tâm trong thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long đặt lộ trình đến năm 2023 có 90% số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ tại cấp huyện và 60% hồ sơ tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; thực hiện 100% thủ tục hành chính được công bố qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và thực hiện tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã. Các cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm… được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời. Dự kiến, trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, đến hết năm 2021, tỉnh cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ hơn 80% gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 50%.

Ðể thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công tích hợp một cửa điện tử, tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; tăng số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Tỉnh phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ công (thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội, ứng dụng của doanh nghiệp); tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để triển khai hạ tầng, dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông, quản lý, dạy - học, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống tiến công mạng, giám sát, cảnh báo, ứng cứu sự cố tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

★ Bình Thuận đặt ra mục tiêu đến hết năm 2021, có thêm hai xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bảo đảm đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng thiết yếu và tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 48,9 triệu đồng/người/năm.

Vĩnh Long đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử -0
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng ở huyện Ðức Linh (tỉnh Bình Thuận) giúp người dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Lân 

Bằng nhiều hình thức để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, tỉnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận (OCOP) với mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 có từ ba đến năm sản phẩm OCOP được công nhận năm sao cấp quốc gia; 100 sản phẩm từ ba, bốn sao cấp tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020, Bình Thuận có 65 trong tổng số 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,9%), vượt 15 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài huyện Phú Quý được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Ðức Linh và TP Phan Thiết đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn từ 32,6 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên mức 44,9 triệu đồng/người/năm.