Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN lần thứ 37

NDO -

Đó là nhận xét của TS. Balaz Szantos, giảng viên Bộ môn Khoa học chính trị, Trường đại học Chulalongkorn, Thái Lan trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Nhân Dân Điện tử về ý nghĩa và kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 mà Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Thủ đô Hà Nội. 

TS. Balaz Szantos, giảng viên Bộ môn Khoa học chính trị, Trường đại học Chulalongkorn, Thái Lan.
TS. Balaz Szantos, giảng viên Bộ môn Khoa học chính trị, Trường đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Phóng viên: (PV): Thái Lan sẽ tham gia ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo ông, việc “đây sẽ là lễ ký thỏa thuận trực tuyến đầu tiên mà ASEAN thực hiện” có ý nghĩa như thế nào? Tham gia RCEP có lợi ích gì đối với Thái Lan?

TS. Balaz Szantos: Các hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thương mại tự do đang bị đe doạ khi chúng ta nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc thời gian qua. Việc ký kết Hiệp định RCEP là một bước đi quan trọng đối với khu vực Đông-Nam Á trong năm nay. 

RCEP bao phủ một khu vực rộng lớn về mặt dân số và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việc hợp nhất khu vực này lại với nhau bằng một hiệp định thương mại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại thông suốt, tạo nhiều lợi ích hơn cho cả khu vực. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang phải đối phó đại dịch Covid-19, quá trình phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc khả năng tiếp cận thương mại tự do của các nền kinh tế dựa trên một nền tảng hợp tác cùng có lợi (win-win). 

Chúng ta chắc đều cảm thấy phấn khởi khi được chứng kiến một sự kiện như thế. Thay bằng cách tiếp cận theo chủ nghĩa bảo hộ, triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế “một cách ích kỷ”, các nước thành viên ASEAN đã đoàn kết, thống nhất để đàm phán thành công một hiệp định có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia.

Do đó, tôi nghĩ rằng mặc dù năm 2020 xuất hiện rất nhiều vấn đề gây cản trở đối với hợp tác khu vực, nhất là hợp tác kinh tế, nhưng thật thú vị khi chứng kiến RCEP được hoàn tất đàm phán.

PV: Theo đánh giá của ông, cho đến nay, nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy Hiệp định RCEP đã thu được kết quả gì và đang gặp thách thức gì?

TS. Balaz Szantos: Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong một thời điểm hết sức khó khăn. Chúng ta có thể nhìn lại khoảng thời gian đã trôi qua trong năm 2020, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, bầu cử tổng thống Mỹ, bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, hay căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và còn rất nhiều vấn đề khác. Chúng ta thấy đây là một năm đầy thử thách đối với vai trò dẫn dắt ASEAN, tìm ra điểm tương đồng trong lợi ích và các ưu tiên cho Hiệp hội này. 

Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng minh sự thành công và hiệu quả trong việc dẫn dắt ASEAN trong bối cảnh đầy thử thách như hiện nay. Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng hiện nay với ý chí dẫn dắt các nước ASEAN cùng nhau thoát khỏi đại dịch Covid-19 trên cơ sở lợi ích tương đồng và hợp tác thay bằng việc bị sa đà vào cạnh tranh và chính trị vị kỷ. 

Năm 2020 sắp kết thúc và chúng ta thấy rằng, khu vực này đã được gắn kết ở một mức độ cao hơn. Việc Việt Nam nỗ lực dẫn dắt khu vực vượt qua năm khó khăn, đồng thời duy trì được sự đoàn kết, thống nhất, vượt qua sức ép, không để bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các chủ thể bên ngoài là một bằng chứng về nỗ lực và thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN.

Bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều thử thách ở phía trước, bao gồm việc duy trì đồng thuận thường trực, bởi vì chúng ta dựa trên sự thoả hiệp, bạn không thể có tất cả những gì mình muốn. Đôi khi chúng ta cần chấp nhận những điều có lợi hơn cho người khác hoặc chịu thiệt hại ngay lập tức. Nếu chúng ta nhìn vào quan hệ đối tác kinh tế mà ASEAN đang theo đuổi, có rất nhiều nước bên ngoài khu vực được tham gia vào mối quan hệ đó, gồm cả các cường quốc về kinh tế.

Do đó theo tôi, thử thách lớn đối với ASEAN là duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc kinh tế, bảo đảm khối này là một động lực cho quan hệ đối tác khu vực. Hơn nữa, các nền kinh tế lớn hơn như Australia hay Trung Quốc có thể sử dụng quan hệ đối tác kinh tế này để tạo lợi thế trước ASEAN, như vậy khối này cần bảo đảm quan hệ đối tác trên là một sự hợp tác kinh tế cùng có lợi. 

PV: Khi chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam, một nhà ngoại giao cấp cao của Thái Lan tin tưởng Việt Nam có thể “tạo ra triển vọng rõ ràng hơn cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Việt Nam ở khía cạnh này?

TS. Balaz Szantos: Châu Á - Thái Bình Dương là một môi trường vô cùng phức tạp trong thời điểm hiện tại. Diễn biến tình hình đại dịch Covid-19 đang tương đối tồi tệ ở khu vực phía nam, khi chúng ta chứng kiến con số ca nhiễm ở Ấn Độ, thậm chí là ở một số nước Đông-Nam Á khác tăng cao mỗi ngày. 

Năm 2020 cũng chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Thực tế là, tại một thời điểm như thế này, ASEAN vẫn đang tiến lên phía trước, đó là thành quả mà khối này đạt được bằng năng lực của mình. Một số nước ASEAN đang rất thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam và Thái Lan. 

Chúng ta có thể nhìn lại lý do ban đầu mà Việt Nam tham gia ASEAN là cùng nhau tồn tại trên cơ sở lợi ích chung, mục tiêu đó đã đạt đến một mức độ tương đối cao. Đã có nhiều chương trình hỗ trợ lẫn nhau giữa đại dịch Covid-19. Bất chấp đại dịch Covid-19, ASEAN vẫn có thể triển khai các hoạt động chính trị thường niên, chẳng hạn như việc ký kết thoả thuận thương mại. Đó hoàn toàn là thành quả của riêng ASEAN, bởi vì khi chúng ta nhìn vào các khu vực khác của thế giới, chẳng hạn như châu Âu đang bị đình trệ trong thời điểm hiện tại vì đại dịch, hoặc ở Mỹ với các chính sách đối ngoại bị bao trùm bởi các vấn đề chính trị nội bộ. Thực tế là tại một thời điểm khó khăn như thế này, ASEAN vẫn có thể triển khai các hoạt động bình thường đã chứng tỏ vai trò dẫn dắt của khối này ở khu vực.

PV: Qua các hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan trong năm nay, ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực đối phó các thách thức?

TS. Balaz Szantos: Tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt bất chấp những khó khăn và thách thức. 

Tôi muốn nhắc lại luận điểm đã đưa ra, đó là ASEAN vẫn hoạt động bình thường, không bị đứt gẫy, vẫn đang có sự hợp tác vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia thành viên bất chấp những điểm khác biệt. Đó là minh chứng cho thực tế về vai trò lãnh đạo tuyệt vời của ASEAN trong thời điểm đầy thử thách như thế này.

ASEAN cũng đã từng bị chỉ trích là một tổ chức lỏng lẻo nếu so sánh với Liên minh châu Âu, nhưng trong năm nay ASEAN đã chứng tỏ giá trị của mình ở khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đã thể hiện khả năng góp phần vào vai trò dẫn dắt của ASEAN bằng việc sử dụng cách tiếp cận mà tôi nghĩ đang rất phù hợp trong việc xử lý nhiều loại khủng hoảng khác nhau. 

Việt Nam luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết trong ASEAN, cùng nhau hành động để vượt qua thách thức hiện tại. Việt Nam không lấy thực tế là một số nước ASEAN đang làm tốt hơn các quốc gia còn lại, từ đó cổ xuý cho việc xây dựng hàng rào ngăn cách; đồng thời cũng không kiêu căng cho rằng “chúng tôi làm tốt hơn và tình trạng dịch bệnh gia tăng ở nước của bạn là vấn đề của riêng bạn, bạn phải tự giải quyết”. Đó là một dấu hiệu rất đáng khích lệ về tương lai của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực quan trọng.