Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng "BÚA LIỀM VÀNG"

Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Năm 2020, tỉnh Hà Giang có khoảng ba triệu văn bản được ban hành trong môi trường mạng, tạo ra nhiều tiện ích trong công tác quản lý, điều hành, đã tiết kiệm cho tỉnh hơn 12 tỷ đồng tiền mua văn phòng phẩm. Đây chỉ là một trong những lợi ích từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh.

Đầu năm 2017, tỉnh Hà Giang triển khai lắp đặt hệ thống hội nghị trực tuyến đến tất cả xã, phường, thị trấn. Vào thời điểm đó, Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên cả nước triển khai hệ thống trực tuyến từ tỉnh đến xã. Do đó, khi triển khai tỉnh đã gặp những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, các địa phương trong tỉnh chủ động nguồn kinh phí, hợp tác với các tập đoàn viễn thông lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả. Ðến nay, tỉnh đã có 241 điểm cầu truyền hình trực tuyến, trong đó cấp xã, phường, thị trấn có 193 điểm cầu, 11 điểm cầu cấp huyện, thành phố, một điểm cầu cấp tỉnh, còn lại là các điểm cầu của các ngành chức năng.

Việc sớm hoàn thiện hệ thống truyền hình trực tuyến giúp tỉnh đạt được nhiều mục tiêu: Tiết kiệm ngân sách, chi phí đi lại, ăn nghỉ của cán bộ, rút ngắn thời gian triển khai các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Số lượng cán bộ tham gia hội nghị đông hơn và nhất là đội ngũ cán bộ thôn, bản được trực tiếp dự hội nghị do tỉnh, T.Ư tổ chức cho nên có sự thống nhất cao về nhận thức, quan điểm. Một thí dụ điển hình về lợi ích của hệ thống truyền hình trực tuyến đem lại, đó là khi tỉnh triển khai công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp năm 2020 trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhờ có hệ thống truyền hình trực tuyến, các đại hội điểm từ cấp xã, cấp huyện, ngành được truyền hình trực tuyến đến tất cả các điểm cầu trong tỉnh để các đảng bộ rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức đại hội. Qua đó, tỉnh đã hoàn thành công tác tổ chức đại hội đảng các cấp đúng thời gian và tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

Ðồng chí Lưu Ðình Phát, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: "Ðảng bộ tỉnh Hà Giang có 15 đảng bộ trực thuộc, hơn 780 tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, có nhiều xã vùng cao cách trung tâm huyện, tỉnh hàng trăm cây số. Do đó, việc tổ chức đại hội điểm theo hình thức trực tuyến giúp cán bộ không phải đi lại vất vả, tiết kiệm chi phí tổ chức, có nhiều cán bộ được theo dõi đại hội. Ðồng thời, tỉnh có điều kiện thực hiện nghiêm túc chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19".

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thời điểm tỉnh đã cho phép phần lớn cán bộ làm việc tại nhà. Dù vậy, hoạt động quản lý, điều hành, xử lý công việc của các cơ quan không bị ngừng trệ. Chỉ cần có máy tính cá nhân nối mạng in-tơ-nét, cán bộ từ tỉnh đến xã giải quyết công việc như ở cơ quan. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lã Ðình Ðiền cho biết: "Năm 2020, tỉnh có khoảng ba triệu văn bản được ban hành trong môi trường mạng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong tỉnh đã đem lại sự tiện ích rất lớn trong công tác quản lý, điều hành như kịp thời, chính xác, tiện lợi và tiết kiệm cho tỉnh hơn 12 tỷ đồng tiền mua tem, phong bì thư".

Việc hoàn thiện hạ tầng viễn thông, CNTT cũng tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác tuyên truyền. Tỉnh đã lắp đặt hệ thống loa truyền thanh trên in-tơ-nét, đến nay có 120 đài truyền thanh cơ sở trên in-tơ-nét, với 866 điểm cụm dân cư thôn, bản được lắp đặt hệ thống. Ðơn vị quản trị, vận hành hệ thống truyền thanh cơ sở là cả ba cấp, từ tỉnh đến huyện và xã. Do đó, công tác tuyên truyền tại cơ sở được thực hiện liên thông cả ba cấp tùy thuộc vào khung giờ tuyên truyền. Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì Triệu Văn Khuân cho biết: "Nhờ hạ tầng CNTT phát triển, công tác tuyên truyền của xã có chuyển biến rõ nét, trong đó có hệ thống loa truyền thanh in-tơ-nét hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, trong công tác chỉ đạo, điều hành, đối với những công việc đột xuất cần triển khai ngay, bản thân tôi cũng chỉ đạo qua các nhóm trên mạng xã hội để trao đổi với các trưởng thôn và giữa trưởng thôn với người dân".

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh cũng quan tâm triển khai hệ thống một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh Hà Giang hiện nay đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức
độ 4 với khoảng 37,99% các thủ tục hành chính. Tỉnh cũng đã khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh. Khách du lịch chỉ cần thiết bị cầm tay có kết nối in-tơ-nét là có thể nắm bắt tất cả các thông tin về du lịch Hà Giang như: Trải nghiệm kho vi-đê-ô về du lịch và các điểm đến; thụ hưởng các dịch vụ tư vấn thông tin du lịch theo địa lý dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị; tư vấn lịch trình, chỉ đường, gợi ý các địa điểm khách sạn, nhà hàng, các sự kiện nổi bật.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang Ðỗ Thái Hòa khẳng định: Ðẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp hệ thống chính trị cơ sở ở tỉnh vùng cao thuận lợi hơn rất nhiều trong công tác quản lý, điều hành, triển khai công việc. Ðể một tỉnh nghèo, vùng cao khó khăn có sự chuyển biến trong ứng dụng CNTT thì yếu tố đầu tiên là nhận thức và sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu từ tỉnh, đến các ngành, các cấp.