Tri ân các chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột

NDO -

Trong không khí chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng và hướng tới kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2021), chào đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sáng 25-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Các đại biểu mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương và cùng ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong đó, tiêu biểu là cuộc duyệt binh được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán năm 1944 với quy mô bốn trung đội, 200 người tham gia.

Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kdoh thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. 

Vào 8 giờ ngày 25-1-1944 (tức ngày 1-1 năm Giáp Thân), tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã diễn ra sự kiện “có một không hai” trong hệ thống nhà tù, nhà đày của thực dân Pháp ở Đông Dương và các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Khi cửa nhà lao mở để tù chính trị được tháo cùm ăn Tết, đoàn quân từ cửa nhà lao vác súng gỗ trên vai đi đều bước trong giọng hát oai hùng, tiến thẳng ra sân và dừng trước trụ cờ. Quốc kỳ của nước Pháp bị hạ xuống được thay bằng lá cờ đỏ sao vàng. Bàn thờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ đặt phía trước. Đoàn quân bồng súng chào cờ Tổ quốc, mặc niệm những chiến sĩ cách mạng, đảng viên Cộng sản đã hy sinh. Cuộc duyệt binh đã diễn ra thành công, khiến cho cai tù và lính gác hoàn toàn bất ngờ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong không gian Nhà đày Buôn Ma Thuột với niềm xúc động của mọi người. Cuộc duyệt binh chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã thể hiện tinh thần bất khuất và ý chí quật cường của chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng với mục đích là đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên Cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, cách ly các chiến sĩ cách mạng với phong trào đấu tranh đang bùng nổ trong cả nước. Với mục đích như vậy, thực dân Pháp đã sử dụng mọi thủ đoạn để biến nơi đây trở thành địa ngục trần gian, với những ngón đòn tra tấn vô cùng hiểm ác. Tuy nhiên, những âm mưu, thủ đoạn đó của chính quyền thực dân đế quốc không đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của những người Việt Nam yêu nước. Các cuộc đấu tranh trong tù diễn ra thường xuyên để chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học, rèn luyện bản lĩnh, trau dồi lý luận, sẵn sàng tham gia phong trào cách mạng một khi thoát được ra ngoài.

Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột -0
 Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Đắk Lắk. Cuối năm 1940, trước yêu cầu của tình hình, một số chiến sĩ cách mạng trong các tổ chức bí mật ở nhà tù chủ động tự thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ lúc mới thành lập có 10 đồng chí. Sau hơn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đến nay Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 20 Đảng bộ trực thuộc, hơn 800 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 81.500 đảng viên.

Lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng đã từng bị bắt, tù đày, hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, lao động và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc cùng nỗ lực xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng văn minh, giàu đẹp.