Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A

NDO -

NDĐT - Tối 21-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14 - năm 2019. Giải Báo chí quốc gia lần này tổ chức đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lớn của những người làm báo Việt Nam, qua đó ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà và tôn vinh những nhà báo xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại lễ trao giải.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại lễ trao giải.
Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 1

Lãnh đảo Đảng, Nhà nước dự lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14.

Dự lễ trao giải có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các ba, bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành; các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.

Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải.

Phát biểu ý kiến khai mạc buổi lễ, đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia cho biết, kể từ ngày 21-6-1925, ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Thanh Niên - tờ báo mở đầu, đến nay nền báo chí cách mạng nước ta vừa tròn 95 năm đồng hành cùng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân, báo chí cách mạng nước ta luôn gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, thật sự là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua các giai đoạn lịch sử, các thế hệ nhà báo cách mạng thật sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với những người làm báo cách mạng. Đội ngũ các nhà báo đã tích cực tham gia và tự hào đóng góp xứng đáng vào tiến trình lịch sử của dân tộc trong hơn 90 năm qua.

Trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, báo chí đã tuyên truyền, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tự hào viết nên truyền thống vẻ vang của chính mình trong những trang hào hùng của lịch sử dân tộc. Những phần thưởng cao quý nhất - Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho lực lượng làm báo cách mạng cả nước, đã ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí.

Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 3

Đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia phát biểu.

Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Gần 500 nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường trong khi làm nhiệm vụ người chiến sĩ ngoài mặt trận. Ngay trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, nguy hiểm đến tính mạng, có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa hoặc lăn xả nơi bão lũ, hiểm nguy, vùng có dịch như trong đại dịch Covid-19, hay trong cuộc chiến chống buôn lậu, ma túy trên mọi hang cùng, ngõ hẻm… để kịp thời có được những bản tin, bài báo, hình ảnh nóng hổi tính thời sự mà công chúng đang chờ đón, tràn đầy tình yêu nghề nghiệp, lòng quả cảm, trí thông minh và sự dấn thân không quản ngại mất mát, hy sinh.

Đồng chí Thuận Hữu khẳng định, tuy vẫn còn những bất cập, hạn chế, chúng ta có thể tự hào đã có một nền báo chí phát triển, với một đội ngũ người làm báo hùng hậu hơn 42 nghìn trong đó có hơn 25 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại.

Về Giải báo chí quốc gia lần thứ 14 - năm 2019, đồng chí Thuận Hữu cho biết, Giải thu hút hơn 1.700 tác phẩm thi từ khắp nơi trên cả nước. Qua 14 năm thực hiện, đây là giải có số tác phẩm và đơn vị tham dự ở mức cao, cho thấy hiệu quả và sức thu hút của Giải đối với họat động báo chí. Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, khách quan, công tâm và chuyên nghiệp, trong điều kiện giãn cách xã hội, chống Covid-19. Hội đồng chung khảo đã chấm 140 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo và quyết định trao chín giải A, 21 giải B, 41 giải C và 32 giải khuyến khích, theo 11 loại giải, cho những tác phẩm nổi trội nhất, có nội dung tư tưởng tốt, có tính phát hiện và tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thể hiện, nhất là sử dụng được những công nghệ làm báo tiên tiến.

Đồng chí Thuận Hữu đánh giá, báo chí nói chung, nhất là các tác phẩm tham gia giải báo chí quốc gia tiếp tục phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Đó là: tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, báo chí tuyên truyền về 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 chiến thắng Điện Biên phủ, 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, 30 năm xây dựng nhà giàn DK1 bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, các hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam;... việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, an ninh năng lượng,... Nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng tiếp tục được phản ánh đậm nét với cách tiếp cận đa chiều, như: công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý cán bộ sai phạm; vấn đề an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt; phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; cải cách hành chính, cơ chế quản lý kinh tế; khuyến khích thúc đẩy kinh tế tư nhân, sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng đô thị thông minh và các đề tài truyền thống về lịch sử, văn hóa,... Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực.

Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 4

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Thuận Hữu cùng với các tác giả đoạt giải thuộc Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng và trân trọng cảm ơn sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của các thế hệ những người làm báo trên cả nước. Đồng thời, Thủ tướng tin tưởng, với lực lượng hùng hậu với hơn 25 nghìn hội viên - nhà báo đang làm việc trong các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo báo chí với bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng, xứng đáng niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Liên Chi hội Báo Nhân Dân đã đoạt hai giải A, một giải B và ba giải C tại Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14. Hai giải A thuộc về nhóm tác giả: Quang Hưng, Xuân Thủy, Hoàng Anh, Tô Hà, Minh Dũng, với loạt bài: Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị "đóng băng, bào mòn"; tác giả Trần Hữu Việt, với loạt bài Trò chuyện văn chương. Một giải B thuộc về nhóm tác giả: Nguyễn Thị Lan Phương, Lê Tiến Sỹ, Nguyễn Tiến Anh, với tác phẩm Theo dấu hùng binh. Ba giải C thuộc về nhóm tác giả: Hà Quốc Việt, Trần Ánh Tuyết, Phạm Hà, Tiến Đức, Quốc Vinh, với loạt bài Đổi mới sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng; nhóm tác giả: Kiều Thanh Hương, Trần Anh Tuấn, Lê Thị Thúy Lan, Trịnh Khánh Toàn, với loạt bài Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc; tác giả: Hải Đường (Trần Quang), với loạt bài Chuyện cơ sở.

Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 5

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trao giải B cho nhóm tác giả của Truyền hình Nhân Dân.

Ngoài ra, Báo Nhân Dân có ba tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Cụ thể: nhóm tác giả: Phạm Mỹ Hạnh, Trịnh Quốc Dũng, với loạt bài Chuyện những chiến sĩ quân y Việt Nam đội mũ nồi xanh ở Nam Sudan; tác giả Trần Thanh Hải, với nhóm ảnh Cải cách hành chính: Bước đột phá mang tầm chiến lược; nhóm tác giả: Hà Thư, Hoàng Huy, Tạo Nam, Thanh Quyên, với tác phẩm Chi bộ "Thời 4.0".

Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 6

Các nhóm tác giả và tác giả vinh dự nhận giải C.

Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 7

Đại diện nhóm tác giả của loạt bài Đổi thay của những tộc người đặc biệt vùng Tây Bắc nhận giải C.

Trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14: Báo Nhân Dân đoạt hai giải A ảnh 8

Các nhóm tác giả, tác giả đoạt giải Khuyến khích.

Nhân Dân điện tử xin giới thiệu cùng bạn đọc hai loạt bài đoạt giải A của Báo Nhân Dân:

Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị "đóng băng, bào mòn"

Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị "đóng băng, bào mòn" (Kỳ 1)

Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị “đóng băng, bào mòn” (Kỳ 2)

Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị “đóng băng, bào mòn” (Tiếp theo và hết) (*)

Trò chuyện văn chương

Bản chất của văn học là làm cho xã hội tốt đẹp hơn

Nhà văn là người giải mã lịch sử

“Sau một đêm thức dậy, lại thấy mắc nợ cuộc sống”

“Ở tôi, truyện và ký bổ sung cho nhau”

Để văn học Việt Nam có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại