TP Hồ Chí Minh phát triển trí tuệ nhân tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn

Xây dựng và phát triển trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong những mục tiêu quan trọng trong chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030" vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.

Các học viên vận hành rô-bốt tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HÀ THẾ AN
Các học viên vận hành rô-bốt tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HÀ THẾ AN

UBND thành phố khuyến khích gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ và gia tăng tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số nhằm phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh. Thành phố tập trung xây dựng các sản phẩm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có giá trị thực tiễn, xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Qua đó, thu hút nguồn lực trong nước và nước ngoài; đầu tư xây dựng ít nhất hai trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ về trí tuệ nhân tạo ngang tầm khu vực ASEAN;

xây dựng đội ngũ nhân lực đủ số lượng và bảo đảm chất lượng ở các lĩnh vực khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, nhận dạng tiếng nói, an toàn thông tin, in-tơ-nét vạn vật... Mặt khác, TP Hồ Chí Minh thúc đẩy gia tăng 20%/năm số lượng các công trình khoa học, bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại thành phố; thu hút tài trợ hợp tác quốc tế, các chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo tới làm việc theo thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn…

★ Trà Vinh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ðể doanh nghiệp hoạt động, phát triển hiệu quả, tỉnh Trà Vinh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 về kỹ thuật, tài chính, kết nối mạng lưới kinh doanh… Ðây là chương trình nhằm tăng cường năng lực, tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã triển khai ý tưởng kinh doanh mới và sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm mới trong các chuỗi giá trị…

Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở, hộ kinh doanh và hợp tác xã ở tỉnh Trà Vinh có ý tưởng kinh doanh được hỗ trợ vốn không hoàn lại theo hình thức sau đầu tư, với mức cao nhất là 49% tổng kinh phí, nhưng không quá 800 triệu đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã và không quá 300 triệu đồng đối với hộ sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp đối ứng phần còn lại, ít nhất 51% tổng kinh phí. Doanh nghiệp được hỗ trợ hoạt động thuộc một trong các ngành nghề như: Dừa, du lịch, thủy sản, lạc, thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các ngành nghề, sản phẩm có giá trị gia tăng cao hoặc có lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp đổi mới công nghệ phù hợp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Nội dung đề xuất hỗ trợ của doanh nghiệp phải đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí: Doanh nghiệp sáng tạo, phát triển chuỗi giá trị hoặc phát triển cộng đồng và môi trường.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Trà Vinh, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh đã được phê duyệt từ tháng 9-2018. Ðến nay, chương trình thực hiện ba đợt tuyển chọn và ký hợp đồng với 13 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, với tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại là 6,8 tỷ đồng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm mới, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị chủ lực tại địa phương, tạo việc làm cho lao động và giải quyết các vấn đề về môi trường trong sản xuất, kinh doanh.