Tôi luyện đội ngũ cán bộ qua luân chuyển, điều động ở huyện Kỳ Sơn

NDO -

Thông qua luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là việc tăng cường cho cơ sở đã giúp đội ngũ cán bộ có cơ hội trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm và năng lực thực tiễn ở nhiều lĩnh vực để trưởng thành, đó là việc làm mới, sáng tạo của huyện vùng cao 30a Kỳ Sơn.

Lãnh đạo huyện tham dự Ngày hội Đại đoàn kết ở xã Mường Lống.
Lãnh đạo huyện tham dự Ngày hội Đại đoàn kết ở xã Mường Lống.

Đột phá đi trước

Cuối năm 2015, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn Và Bá Cải (người dân tộc H’Mông)  - là một trong những cán bộ cấp huyện được Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Kỳ Sơn điều động tăng cường về giữ chức Bí thư Đảng bộ xã Bắc Lý với lý do đồng chí Cải trưởng thành từ công tác đoàn (Phó Bí thư Huyện đoàn), cần được đào tạo bồi dưỡng tôi luyện từ thực tiễn cơ sở.

Và Bá Cải nhớ lại ngày đầu với nhiều tâm tư: “mình là cán bộ huyện, có phải bị “giáng chức” về địa phương? Bắc Lý là một xã biên giới nghèo, xa trung tâm và gia đình”.

Hiểu được tâm tư, băn khoăn của cán bộ, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe đã trực tiếp động viên: “Đi cơ sở, sẽ giúp đồng chí hiểu thực tế phong phú từ cơ sở, từ đó trưởng thành hơn”.

Được đồng chí lãnh đạo cao nhất huyện động viên đã giúp Cải vững bước khi về Bắc Lý. Do ở xa gia đình, trở thành cán bộ “2-6” (tức là đi thứ hai, về thứ sáu) nên anh có điều kiện ở lại nghiên cứu tài liệu bổ sung kiến thức, trau dồi nghiệp vụ chuyên môn cũng như đi cơ sở nhiều hơn để cùng cấp ủy, chính quyền ở đây giải quyết các vấn đề liên quan cho người dân.

 Xã Bắc Lý có 13 bản, có đến 11 bản người Khơ Mú cùng hai bản người Thái và H’Mông, đây cũng là dịp để Và Bá Cải hiểu hơn về văn hóa phong tục, tập quán, tâm lý của các dân tộc khác để có cách giải quyết công việc hài hòa hơn.

Để tạo điều kiện cho các đồng chí được điều động, tăng cường cơ sở yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất làm việc (xe máy, máy vi tính, tủ đựng tài liệu…) BTV Huyện ủy và đồng chí Bí thư Huyện ủy quan tâm nhiều hơn đến phong trào của các xã trong đó có xã Bắc Lý để động viên cũng như uốn nắn sai sót kịp thời.

Sau hơn ba năm hoàn thành suất sắc nhiệm vụ ở Bắc Lý, Và Bá Cải được điều về lại làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. “Thực tiễn từ cơ sở giúp mình hiểu thấu đáo, toàn diện hơn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội cho bà con các dân tộc ở cơ sở; giúp tích lũy được kinh nghiệm và năng lực thực tiễn ở nhiều lĩnh vực, đã tạo điều kiện cho mình làm tốt công việc của Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện”, Và Bá Cải chia sẻ.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: “ Kỳ Sơn là huyện có hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu: Khơ Mú, H’Mông, Thái. Phần lớn nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên còn mang nặng tư tưởng dòng họ, cục bộ địa phương, ngại va chạm, chưa dám bứt phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Xác định việc điều động, luân chuyển cán bộ là tạo điều kiện cho cán bộ có cơ hội trải qua thực tiễn ở cơ sở, ở các đơn vị, lĩnh vực công tác khác nhau để giúp cán bộ được bổ sung kiến thức, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm và năng lực thực tiễn ở nhiều lĩnh vực; đồng thời vừa giúp cơ sở xây dựng, củng cố hệ thống chính trị... Xuất phát từ thực tiễn, nếu đồng chí nào trưởng thành từ cấp cơ sở thường giải quyết công việc hiệu quả hơn, nên BTV Huyện ủy xác định luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở  là cần thiết để tôi luyện.

Tôi luyện đội ngũ cán bộ qua luân chuyển, điều động ở huyện Kỳ Sơn -0
 Mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới ở Mường Lống cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha.

Do vậy, năm 2015, huyện Kỳ Sơn đã chủ động thực hiện trước một bước về công tác điều động, luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở. Bước đầu thực hiện có khó khăn, đã có không ít những ý kiến trái chiều, cho rằng việc điều động, luân chuyển cán bộ là nhằm sắp xếp, bố trí nhân sự theo ý chủ quan của lãnh đạo huyện…Tuy nhiên, BTV Huyện ủy đã quyết tâm, thống nhất thực hiện điều động, tăng cường cán bộ cấp huyện về cơ sở, xem đây là một trong những đột phá trong công tác cán bộ, khi chưa có quy định cụ thể nào của cấp trên nên phải làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Đến tháng 3-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ra Nghị quyết số 02-NQ/TU về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ, lãnh đạo, quản lý (gọi tắt là cán bộ) giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết đã góp phần quan trọng làm thay đổi suy nghĩ của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở về ý nghĩa của việc điều động, luân chuyển là phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ và sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ do cấp trên sắp xếp, bố trí.

Tôi luyện từ thực tế

Trước đây, do để xẩy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, một số cán bộ ở xã Nậm Càn bị xử lý kỷ luật, phần nào tác động đến niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ lãnh đạo cấp cơ sở. Để củng cố hệ thống chính trị, xây dựng cơ sở ổn định về chính trị và an ninh biên giới, củng cố lòng tin cho nhân dân, tháng 6-2018, Phó trưởng Phòng Nội vụ Thò Bá Rê được điều động, tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã.

Ban đầu với bao khó khăn thách thức với một xã biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, giao thông đi lại không thuận lợi, xã toàn tòng là người dân tộc H’Mông, trình độ dân trí còn thấp và chưa đồng đều. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng Thò Bá Rê luôn tâm niệm, mình luôn gần dân để nghe dân nói và nói dân hiểu thì mọi việc sẽ thành công.

Nhờ sự quyết tâm cao, gương mẫu, đi đầu của Bí thư Đảng ủy Thò Bá Rê và lãnh đạo xã trong việc kiên trì bám cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nậm Càn đã giảm hẳn tình trạng phát nương làm rãy, di dịch cư tự do hay chặt phá rừng. Nậm Càn còn đi đầu trong các phong trào sáp nhập bản, kêu gọi thanh niên nhập ngũ, làm giao thông nội bản, sửa chữa nhà văn hóa cộng đồng, công trình nước sạch… Khi hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ đã được kiện toàn, phong trào thi đua ở Nậm Càn ổn định, đi vào nề nếp, lòng dân đã thuận, tháng 10-2020, Thò Bá Rê được điều chuyển về huyện và được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cũng như đồng chí Thò Bá Rê, nhờ ba năm luân chuyển, tăng cường về xã Mường Ải tôi luyện làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Lữ Quang Hưng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo đã trưởng thành mọi mặt. Tại Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Lữ Quang Hưng được đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành, BTV và được tin tưởng phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; đồng chí Lầu Bá Chò, Phó trưởng phòng dân tộc huyện sau hơn bốn năm luân chuyển về giữ chức Bí thư Đảng bộ xã Mường Lống hiện là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy...

Tôi luyện đội ngũ cán bộ qua luân chuyển, điều động ở huyện Kỳ Sơn -0
 Nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về các bản vùng sâu Kỳ Sơn.

Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Nguyễn Hữu Lượng được luân chuyển về làm Chủ tịch xã Hữu Kiệm, sau đó được bầu làm Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch xã. Nguyễn Hữu Lượng chia sẻ, trước đây ở huyện mình chỉ quen công tác văn phòng nhưng khi xuống cơ sở được phân công nhiệm vụ làm người đứng đầu, mình phải cố gắng rất nhiều, nhất là sâu sát cơ sở để điều hành cho đúng, trúng vấn đề. Gần sáu năm ở cơ sở, Nguyễn Hữu Lượng cùng tập thể đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, nỗ lực phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững, nỗ lực xây dựng các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tháng 7-2020, xã Hữu Kiệm được tỉnh công nhận xã chuẩn NTM. Đây là xã NTM đầu tiên của huyện Kỳ Sơn và góp phần xóa trắng huyện không có xã NTM ở Nghệ An.

Được biết, Lầu Bá Chò, Thò Bá Rê, Lữ Quang Hưng, Nguyễn Hữu Lượng là bốn trong số chín đồng chí được điều động, luân chuyển từ huyện tăng cường về xã để tôi luyện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng với đó, có chín đồng chí luân chuyển từ xã về công tác tại cơ quan Huyện ủy, UBND huyện, Phòng GD-ĐT; 36 đồng chí luân chuyển giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong huyện; sáu đồng chí luân chuyển từ xã này sang xã khác và 129 cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường học được sắp xếp, luân chuyển giữa các trường trên địa bàn huyện...

Việc bố trí cán bộ sau khi hết thời gian luân chuyển, tăng cường về cơ sở được BTV Huyện ủy đặc biệt quan tâm. Sau thời gian luân chuyển, tăng cường về cơ sở, các đồng chí trở về đều được sắp xếp, bố trí phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Nhiều đồng chí trưởng thành được bầu vào Ban Chấp hành, BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện…

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn Vi Hòe: Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Nghệ An đã tạo ra những “hiệu ứng” rõ nét, tích cực đến động lực, tư tưởng, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ ở Kỳ Sơn. Công tác luân chuyển được triển khai chặt chẽ, đúng quy trình, hầu hết cán bộ luân chuyển đều yên tâm công tác, tâm huyết với nhiệm vụ, khiêm tốn học hỏi; tiếp cận nhanh với nhiệm vụ mới, trưởng thành về tư duy, phong cách làm việc, bản lĩnh chính trị, góp phần chỉ đạo, điều hành sâu sát, toàn diện hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng đơn vị ổn định nội bộ, tạo sự chuyển biến mới về phương pháp làm việc cũng như tạo bước phát triển về kinh tế - xã hội tại nơi công tác, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình đánh giá cao. Việc bố trí cán bộ cấp huyện về giữ chức danh chủ chốt cấp xã đã khắc phục được sức ỳ, sự trì trệ trong công việc, đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ; đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đặc biệt là đối với cơ sở còn nhiều hạn chế, yếu kém, nội bộ có nguy cơ mất đoàn kết; khắc phục phần nào về tư tưởng dòng họ, cục bộ địa phương. Các cán bộ đó cũng góp phần tham mưu cho BTV Huyện ủy kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Việc thực hiện chủ trương thí điểm Bí thư cấp ủy xã không phải là người địa phương; Bí thư cấp ủy xã không giữ chức vụ liên tiếp quá hai nhiệm kỳ ở một địa phương bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, tạo bước đột phá trong công tác luân chuyển cán bộ, góp phần bố trí hài hòa giữa các thành phần dân tộc, dòng họ, tránh tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ…

Nhờ làm tốt công tác điều động, luân chuyển đã góp phần tạo đà cho huyện biên giới 30a này có bước phát triển về mọi mặt, tạo được ba yên: Yên biên giới, yên dân và yên bản làng cho Kỳ Sơn.