Thường trực Chính phủ họp về chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam

NDO -

Chiều 28-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt là một trong những ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần ưu tiên phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại, bền vững. Giai đoạn đến 2030, tiếp tục nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam); đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến nối với các cảng biển, khu công nghiệp, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; hoàn thành mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển...

Bộ GTVT đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, BCH T.Ư xem xét, ban hành Nghị quyết riêng về định hướng phát triển đường sắt. Trong đó, tiếp tục nhất quán quan điểm phát triển đã nêu tại Kết luận số 27 để định hướng Chính phủ triển khai thực hiện.

Các ý kiến tại cuộc họp đều cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo do Bộ GTVT xây dựng, qua 10 năm, việc phát triển đường sắt đạt một số kết quả nhất định; sản lượng vận tải có tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho loại hình giao thông này chưa nhiều. Công nghiệp đường sắt chưa đáp ứng nhu cầu sửa chữa đường sắt hiện có và các dự án mới trong tương lai. Vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, cho nên không có nhiều lợi thế thương mại so với đầu tư các lĩnh vực khác và cần có sự hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước. Các ý kiến nhất trí việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đường sắt.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác phòng chống bão số 9 đã được triển khai quyết liệt, đã sơ tán 1,3 triệu dân. Vào gần bờ, cường độ bão có giảm nhưng vẫn ở mức rất nguy hiểm. Chúng ta đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ tính mạng người dân, cho nên thiệt hại về người đã giảm hẳn so với các cơn bão mạnh trước đây.

Về vấn đề phát triển đường sắt, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện Kết luận 27, hệ thống ĐSĐT Việt Nam có bước chuyển mình tốt; công tác chuẩn bị đầu tư của ngành GTVT đã được chú ý hơn một bước. Phát triển hệ thống đường sắt (HTĐS) Việt Nam là rất cần thiết do hệ thống đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước. Muốn như vậy, tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ quyết định yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư phải làm tốt, kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, của nhân dân để báo cáo cơ quan có thẩm quyền. HTĐS hiện có phải cải tạo nâng cấp như đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, hệ thống ĐSĐT tiếp tục xây dựng theo quy hoạch, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, HTĐS nối Tây Nguyên với miền Trung và TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh với miền Tây Nam Bộ. Không gian mở rộng HTĐS Việt Nam còn nhiều, một đất nước không thể không có HTĐS, nhất là có bờ biển trải dài hơn 3.000 km.

Lưu ý một số nội dung trong báo cáo, Thủ tướng đặt vấn đề, “chọn công nghệ nào trong phát triển đường sắt Việt Nam”, cần có tư duy mới. Về suất đầu tư thì cần đưa ra các phương án để so sánh. Về nguồn lực đầu tư, một mặt giảm đầu tư công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, mặt khác phải tìm nguồn lực để phát triển các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Một số thì đầu tư theo hình thức PPP, một số thì đầu tư ngân sách nhà nước. Chuẩn bị mặt bằng cho các dự án này một cách chủ động chứ không “nóng đâu phủi đó”; chuẩn bị một bước về kết nối quốc tế.

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo để sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội, Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt. Đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là đối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, coi đây là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên tỉnh, liên vùng, đô thị. Báo cáo cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là làm chủ công nghệ mới, những công trình cụ thể, phương án huy động vốn. Các cơ quan của Bộ GTVT phải thấy nóng ruột chuyện này để làm sao thúc đẩy cuộc cách mạng về đường sắt này tốt hơn ở Việt Nam.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ bàn về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11-2020, sẽ có từ 8 đến 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án; sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Bộ trưởng cam kết, sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ GTVT. Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống. Có một số tồn tại mà bản thân chủ đầu tư, TP Hà Nội và các cơ quan liên quan không giải quyết được. Do đó, tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các quyết sách để giải quyết theo đúng pháp luật và với tinh thần: Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hay Hà Nội với tư cách là người sử dụng công trình.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TP Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra. Vấn đề đưa dự án vào sử dụng nhanh chóng, an toàn là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất. An toàn phải đặt lên hàng đầu, Thủ tướng nêu rõ. Nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn.

Thủ tướng đồng ý với ý kiến của Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ, đó là việc nghiệm thu công trình sau khi Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng có ý kiến chính thức đưa vào sử dụng. Về bàn giao tài sản, do thời điểm bàn giao dự án chưa quyết toán công trình, giá trị bàn giao chưa được xác định, đồng ý với ý kiến của Văn phòng Chính phủ, do đó giao Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội thực hiện theo đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. TP Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực, quy trình, chế độ cho công nhân viên… phối hợp Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các yêu cầu chính đáng của tổng thầu nói chung và bàn giao, sử dụng công trình thành thạo…