Thực hiện nghiêm các tiêu chí an toàn, không để dịch lây lan từ cơ sở y tế

Chiều 12-8, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành, một số địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng, chống dịch (PCD) Covid-19

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian qua, chúng ta bình tĩnh, căn cơ, kiên quyết với các giải pháp PCD kịp thời, hiệu quả từ T.Ư đến địa phương, cho nên cơ bản xử lý có kết quả tình hình dịch bệnh. Những ngày qua, ngành y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19, các lực lượng chức năng, các địa phương như: Ðà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ đều rất cố gắng; các nhà tài trợ và nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường cán bộ y tế, chuyên gia đầu ngành vào Ðà Nẵng, Quảng Nam,… để xử lý các điểm nóng.

Qua đợt dịch này, chúng ta cần rút kinh nghiệm, đó là các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm tiêu chí an toàn, không được để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ các cơ sở y tế. Trang bị kịp thời phương tiện bảo hộ chống dịch cho lực lượng PCD, nhất là đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội. Chúng ta đã triển khai để người dân cài đặt ứng dụng Bluezone và cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này. Ngành y tế cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vắc-xin, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân; xem xét việc số người chết tăng cao của đợt dịch này. Từ đó rút ra bài học về phác đồ điều trị của đợt dịch trước và lần này; đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế có quy trình chuẩn xử lý các trường hợp nghi nhiễm, không để người bệnh Covid-19 đi bệnh viện này đến bệnh viện khác. Từ kinh nghiệm của Ðà Nẵng, Quảng Nam, cần nghiên cứu thành lập các tổ tuyên truyền, giám sát cộng đồng. Khám bệnh cho người cao tuổi có bệnh nền tại nhà. Nếu cần, hạn chế người đi chợ, siêu thị như Ðà Nẵng đã thực hiện. Các tỉnh, bệnh viện đều phải xây dựng kịch bản để ứng phó dịch bệnh, tránh di chuyển người bệnh nhiều.

Bộ Y tế cần nghiên cứu đề xuất khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu. Nghiên cứu các phương thức mà thế giới hiện đang áp dụng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, kiểm soát chặt chẽ biên giới; từng địa bàn nên suy nghĩ về chiến lược chống dịch hiệu quả cả về kinh tế và y tế, không nhất thiết phong tỏa toàn bộ thành phố hoặc quận, huyện trong thời gian quá dài, chỉ đóng cửa các khu vực dân cư có nguy cơ lây lan dịch cao. Trước tình trạng các cơ sở y tế không dám mua sinh phẩm, kít xét nghiệm vì sợ vi phạm quy định, Thủ tướng yêu cầu phải mua đủ số lượng sinh phẩm xét nghiệm, yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Hải quan công bố giá nhập thiết bị sớm hơn nữa, tính toán các chi phí khác để có mức giá phù hợp. Ðối với bộ kít xét nghiệm trong nước, cần thành lập tổ liên ngành Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Ðầu tư, Bảo hiểm, đại diện một số bệnh viện lớn,... để xác định mức giá, thông báo đến 63 tỉnh, thành phố. Tỉnh nào mua được thấp hơn thì hoan nghênh. Ðối với thiết bị y tế, sinh phẩm nhập khẩu, Thủ tướng đồng ý mời các nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần, công khai minh bạch, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

★ Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 cho biết, ngày 12-8, có thêm 17 người bệnh (người bệnh từ thứ 864 đến 880) mắc Covid-19, trong đó Ðà Nẵng 13 người, Hà Nội một người (có địa chỉ tại tỉnh Hải Dương), Hải Phòng ba người được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ðến 18 giờ ngày 12-8, cả nước có 880 người mắc Covid-19, trong đó số lượng người mắc liên quan Ðà Nẵng từ ngày 25-7 đến nay là 419 người.

★ Cùng ngày, ghi nhận một người bệnh mắc Covid-19 chết (người bệnh thứ 431, nam, 55 tuổi, ở Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Ðà Nẵng). Ðến nay, cả nước có 17 người bệnh Covid-19 chết. Trong ngày, có thêm năm người bệnh Covid-19 được công bố khỏi bệnh (người bệnh thứ 370, 392, 415, 419 và 445).

★ Chiều 12-8, Tiểu ban Ðiều trị và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã hội chẩn về tình hình điều trị cho những người bệnh Covid-19 nặng tại các bệnh viện: đa khoa T.Ư Huế, Hòa Vang, Phổi Ðà Nẵng, Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Các chuyên gia đề nghị các bệnh viện thông thoáng phòng bệnh, phòng làm việc; tập trung kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện... Ðã có khoảng 20 nhân viên y tế dương tính trong đợt dịch này. Do đó, các bệnh viện trên cả nước cần quan tâm kiểm soát lây nhiễm, lau, khử khuẩn các bề mặt… Hiện, những người bệnh Covid-19 đang được điều trị tại 24 bệnh viện, trong đó có 15 trường hợp nặng.

★ Sáng 12-8, tại buổi kiểm tra Khu chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Ðà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Bệnh viện Ðà Nẵng thực hiện nghiêm việc phân luồng lối đi riêng cho người bệnh chạy thận nhân tạo, đón người bệnh và tiến hành chạy thận an toàn. Người bệnh của bệnh viện khi chuyển đi điều trị tại cơ sở y tế khác phải được xét nghiệm hai lần âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 và cách ly đủ 14 ngày.

★ Chiều 12- 8, chuyến hàng vật tư y tế PCD Covid-19 thứ hai của Bộ Y tế (gồm: khẩu trang y tế, bộ quần áo phòng hộ...) đã đến kho tiền phương của Bộ phận thường trực đặc biệt PCD Covid-19 tại Ðà Nẵng. Bộ Y tế giao Trường đại học Kỹ thuật Y dược Ðà Nẵng tiếp nhận, bảo quản và cấp phát.

★ Ngày 12-8, 24 bác sĩ, điều dưỡng các lĩnh vực: Cấp cứu, hồi sức, truyền nhiễm, tim mạch và nội khoa nhi của tỉnh Phú Thọ nhận nhiệm vụ tham gia công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam.

★ Liên quan người bệnh thứ 867 (nam, 63 tuổi, ở Bình Giang, tỉnh Hải Dương) có yếu tố dịch tễ tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đề nghị những người đã đến quán bia hơi Lộc Vừng (tại TT 3.13, khu đấu giá Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ 10 giờ 30 phút ngày 8-8 đến 21 giờ ngày 9-8, liên hệ ngay cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ hoặc gọi đường dây nóng: 0969.082.115; 0949.396.115. Trước đó, ngày 8-8, người bệnh nghỉ qua đêm tại nhà con gái ở địa chỉ nêu trên.

★ Ðến chiều 12-8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận sáu người bệnh mắc Covid-19, trong đó có năm người bệnh ở TP Ðông Hà. UBND tỉnh đã quyết định thực hiện cách ly xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ 19 giờ ngày 10-8. UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định cách ly, phong tỏa sáu khu vực trên địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.

★ Ngày 12-8, người dân trên địa bàn TP Ðà Nẵng bắt đầu sử dụng phiếu vào chợ theo ngày chẵn, lẻ. Từ đêm 11-8, UBND phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng thực hiện lệnh dừng hoạt động đối với Chợ Nại Hiên Ðông do các ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 phát hiện tại địa bàn phường Nại Hiên Ðông có khai lịch trình di chuyển đến chợ này nhiều lần.

★ Chiều 12-8, UBND huyện Hồng Ngự (tỉnh Ðồng Tháp) cho biết, lực lượng chức năng đang tích cực truy tìm Nguyễn Văn Tám (sinh năm 1995, ngụ ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Ðồng Tháp) trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự (cơ sở cũ) vào sáng 11-8, chưa được xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2.

★ Ngày 12-8, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) thực hiện hai chuyến bay VN7160 và VN7162 chở hơn 400 du khách bị mắc kẹt ở Ðà Nẵng đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Chiều 13-8, VNA tiếp tục thực hiện chuyến bay VN7121 chở hơn 300 khách từ Ðà Nẵng về TP Hồ Chí Minh. Hành khách và phi hành đoàn đều được kiểm tra sức khỏe, đưa đi cách ly theo quy định. VNA thực hiện vệ sinh, khử trùng máy bay, trang thiết bị phục vụ mặt đất ngay sau chuyến bay.

GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, Bộ Y tế đã huy động tổng lực để thực hiện xét nghiệm Covid-19. Từ ngày 23-7 đến ngày 11-8, cả nước thực hiện 205.890 xét nghiệm RT-PCR trong tổng số 621.823 xét nghiệm RT-PCR từ đầu dịch (33,1%). Công suất xét nghiệm trong đợt dịch này cao hơn từ ba đến bốn lần so với đợt cao điểm tháng 3 và 4-2020. Hiện, tại Ðà Nẵng và Hà Nội có thể đạt hơn 10.000 mẫu/ngày. Ðến ngày 10-8, Bộ Y tế đã cấp phép cho 70 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19.