Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế

NDO -

Sáng 15-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường… Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nghe báo cáo tình hình cập nhật dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ở nước ta, bàn các giải pháp cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra, công tác xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine cho nhân dân.

Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã dành quan tâm đặc biệt tới công tác phòng chống dịch, liên tục có các chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với ngành y tế và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra trên thực địa công tác phòng chống dịch tại biên giới Tây Nam, TP Hồ Chí Minh, động viên các lực lượng y tế, công an, quân đội và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, “toàn dân đang trông chờ chúng ta, lực lượng nòng cốt chống dịch”, yêu cầu các đại biểu thảo luận tập trung, chất lượng, hiệu quả, có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn để Bộ Y tế và ngành y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá ba nội dung chính:

Thứ nhất, những thành quả nổi bật, những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của ngành trong thời gian qua, các nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm.

Thứ hai, các giải pháp đột phá để phát triển ngành y tế trong thời gian tới.

Thứ ba, công tác phòng chống Covid-19 thời gian qua, đề xuất các giải pháp để phòng chống dịch hiệu quả, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, trước mắt là chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ các báo cáo về tình hình triển khai hoạt động của ngành; về tình hình dịch Covid-19 và các biện pháp triển khai trong công tác phòng, chống dịch; về tình hình mua, nhập khẩu, tiêm vaccine phòng Covid-19; về tình hình thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ các nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế nhận định, số lượng các ca mắc mới Covid-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, tất cả các ca mắc mới đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm là từ các ổ dịch trước đó, đã được cách ly tập trung từ trước thông qua truy vết F1. Số ca mắc có thể tiếp tục xuất hiện do còn nhiều F1 đang tiếp tục được truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Bên cạnh đó, có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương khác, nhất là các địa phương có tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ vừa qua do nguồn lây bệnh chưa phát hiện được hoặc từ nguồn nhập cảnh chưa được phát hiện.

Về năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, hiện ở mức gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất lên từ 1,5 đến hai lần và tối đa có thể đạt 290.000 mẫu/ngày, nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày. Tính đến ngày 13-5, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được hơn 3 triệu mẫu tương đương gần bốn triệu người được xét nghiệm, xác định 3.710 người dương tính.

Để kịp thời đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết đang sử dụng chiến lược xét nghiệm kết hợp giữa các kỹ thuật xét nghiệm khác nhau. Chỉ đạo các địa phương rà soát, bảo đảm công suất xét nghiệm trên quy mô dân số đạt tối thiểu 1.000 mẫu (đơn)/1 triệu dân/ngày; tăng cường năng lực xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh đạt tối thiểu 300 giường bệnh có một hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Đến ngày 13-5, cả nước đã triển khai tiêm được 969.730/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt tỷ lệ 106% (vaccine cung cấp được đóng lọ 5,5-6ml, có thể tiêm tối đa 12 liều - 0,5ml mỗi liều). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 và bố trí nguồn lực thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. Tổng số vaccine mà Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều, tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vaccine. Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng, các tổ chức để có thêm các nguồn vaccine cho Việt Nam.

Việt Nam hiện có bốn đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có hai vaccine đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Bộ đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Những ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn đất nước ta, bảo vệ sức khỏe nhân dân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá, khắc phục những nhược điểm, hạn chế, bất cập trong phòng, chống dịch, phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch. Tích cực hơn nữa hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về công tác này. Thực hiện cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính. Đã nhiều lần phân tích cụ thể về vấn đề này, tại cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục làm sâu sắc thêm nội hàm của khái niệm “chủ động tấn công” để các bộ, cơ quan, địa phương và toàn dân nắm vững, triển khai thực hiện.

Theo đó, chủ động tấn công là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm các ca bệnh. Phải ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thực hiện chiến lược vaccine, tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine, mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, kể cả chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, đúng ưu tiên. Phải tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng, chất lượng vaccine, vấn đề thanh toán, tiến độ…

Tăng cường hơn nữa vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao. Ngành y tế phải phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh với yêu cầu đa dạng hơn, phong phú hơn, nhiều hình thức hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình, với các đối tượng khác nhau.

Thủ tướng yêu cầu khen thưởng những người làm tốt, tích cực, xả thân, hy sinh vì cộng đồng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, những mô hình hay, cách làm tốt; đồng thời cương quyết xử lý kịp thời những người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức những người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ... Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”. Các địa phương đã làm tốt, có kinh nghiệm, đã kiểm soát được dịch bệnh, có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh… chi viện, giúp đỡ các địa phương khác về nhân lực, vật lực, tiêu thụ hàng hóa... Người có điều kiện giúp đỡ người ít điều kiện hơn, người ở ngoài hỗ trợ người cách ly, người không mắc bệnh hỗ trợ người mắc bệnh.

Trong hơn một năm qua, ngành y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia đã đi đúng hướng trong chỉ đạo phòng chống dịch, chúng ta không hoảng hốt, không mất bản lĩnh, cần tiếp tục kết hợp hài hòa giữa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh với phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

Thủ tướng khẳng định, Bộ và ngành y tế đã đạt được những thành tựu rất cơ bản, toàn diện, quyết định, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, nhất là trong phòng chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn còn những hạn chế, bất cập, yếu kém, cần “tìm ra, chỉ rõ, nói thật, đối diện, cùng nhau giải quyết”. Thủ tướng chỉ ra chín hạn chế của ngành.

Thứ nhất, chưa có chiến lược tổng thể phát triển ngành để phát triển ngang tầm vai trò, vị trí của ngành và sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, thể chế, cơ chế, chính sách còn bất cập, vướng mắc nhiều, phải cố gắng hơn nữa để tháo gỡ.

Thứ ba, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nhất là cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để phát triển ngành.

Thứ tư, hệ thống tổ chức và quản trị y tế còn bất cập về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác. Tổ chức toàn ngành và các cấp chưa được hợp lý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW tuy đạt kết quả quan trọng nhưng cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn.

Thứ năm, chất lượng nhân lực ngành y nổi trội so với điều kiện chung của đất nước, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn hạn chế, nhất là ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Thứ sáu, cơ cở vật chất chưa thật sự xứng tầm với yêu cầu và nhiệm vụ.

Thứ bảy, có nơi, có lúc còn lơ là, chưa thật sự coi trọng công tác xây dựng Đảng. Tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà đã được khắc phục nhiều nhưng vẫn tồn tại, để nhân dân tâm tư, lo lắng, thậm chí bức xúc.

Thứ tám, việc thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong ngành y còn hạn chế, chậm hơn so với một số ngành, nhất là việc tính giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, cần nghiên cứu làm tốt hơn.

Thứ chín, công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản tốt nhưng có nơi, có lúc vẫn còn lơ là, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong đợt dịch mới. Thủ tướng lưu ý, “cơ sở khám chữa bệnh phải là nơi an toàn nhất, gương mẫu thực hiện các quy định, để lây nhiễm là không được, người dân khó chấp nhận”.

Về tình hình sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ngành đối mặt với những vấn đề lớn. Chúng ta phải đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới của ngành y tế, trong bối cảnh ngành chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều mô hình hay. Cùng với đó là tình trạng già hóa dân số; các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có dịch bệnh, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, để lại hậu quả khó khắc phục.

Yêu cầu và mong muốn chăm lo sức khỏe cho 100 triệu người dân rất lớn, rất cao cả nhưng việc đầu tư và cơ sở vật chất cho công tác này vẫn hạn hẹp, không thể khắc phục một sớm, một chiều.

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng nêu rõ bảy nhiệm vụ chiến lược của ngành, trước hết là xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội làn thứ XIII của Đảng.

Thứ hai, tổng kết, phát huy truyền thống, ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, yếu kém, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách và các đề án của Nhà nước, chương trình công tác của các cấp về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ ba, quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện nghiêm Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của T.Ư về học và làm theo Bác, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. “Thực hiện tốt nhiệm vụ này để thực hiện lời dạy của Bác Hồ là “Thầy thuốc như mẹ hiền”, Thủ tướng nhấn mạnh. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện nghiêm, hiệu quả các Nghị quyết số 18, 19 của T.Ư, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành gắn với quy hoạch của các địa phương về phát triển ngành và và chăm sóc sức khỏe nhân nhân dân.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; làm tốt công tác quản lý nhà nước; thực hiện tốt việc chăm lo, theo dõi chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong điều kiện hội nhập.

Thứ bảy, có giải pháp khắc phục tình trạng già hóa dân số, không ngừng nâng cao chất lượng sức khỏe và tuổi thọ nhân dân, để mọi người dân khỏe mạnh, đất nước khỏe mạnh.

Về tám nhiệm vụ đột phá, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, phải tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp điều kiện thực tiễn và tổ chức thực thi hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, phát triển y tế chuyên sâu tại các khu vực khó khăn, biên giới hải đảo…

Thứ ba, xây dựng ngành y tế công khai, minh bạch, hiệu quả, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân.

Thứ  tư, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển ngành, đặc biệt là mô hình hợp tác công-tư. Thủ tướng gợi ý mô hình nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà nước đưa nguồn lực con người vào để khai thác trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước, cùng chia sẻ khi có rủi ro.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các đơn vị, địa phương và thiết lập công cụ để giám sát, kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng việc.

Thứ sáu, chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển y tế số, kinh tế y tế số, coi trọng công tác đào tạo gắn với thực tiễn, nhu cầu và vị trí việc làm.

Thứ bảy, tập trung phát triển công nghiệp dược.

Thứ tám, coi trọng công tác truyền thông, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tăng cường công khai, minh bạch và  trách nhiệm giải trình.

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, hạn chế, vướng mắc mà ngành y tế phải đối mặt, giải quyết; đồng thời biểu dương, ghi nhận và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của toàn ngành y tế trên tuyến đầu, mỗi y bác sĩ, mỗi cán bộ, người lao động ngành y thật sự là một chiến sĩ, cống hiến, đóng góp, hy sinh cho công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Thủ tướng mong muốn toàn ngành y tế và mỗi cán bộ, y bác sĩ, người lao động trong ngành tiếp tục phát huy tinh thần này để góp phần vào thành công chung của đất nước, trước mắt là tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công, an toàn.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan