Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ngày 20-6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) phối hợp Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm công nghệ phòng, chống thiên tai trong khuôn khổ hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm công nghệ phòng, chống thiên tai trong khuôn khổ hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.

Năm 2018, cả nước xuất hiện 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn, chín đợt gió mạnh trên biển, bốn đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh…

Thiên tai năm 2018 làm 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 107 tàu, thuyền bị chìm… Tổng thiệt hại về kinh tế gần 20 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các cấp ủy, chính quyền ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của công tác PCTT. Công tác PCTT và TKCN năm 2018 đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, vận dụng linh hoạt "phương châm 4 tại chỗ". Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai bước đầu được quan tâm… Thủ tướng cho rằng, cần khắc phục một số bất cập như: thiệt hại do thiên tai rất lớn; năm nào cũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng, nhất là công trình PCTT còn hạn chế…

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của hội nghị lần này là chủ động hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn, để ổn định, bảo vệ phát triển sản xuất, không để người dân nào rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do thiên tai. Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đặt ra chín nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai. Ðó là: Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban chỉ đạo PCTT các cấp hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và TKCN, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi sự cố xảy ra; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT cho người dân và cộng đồng, thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời hơn, chính xác hơn; nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng: đê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác; nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ T.Ư đến địa phương, trong đó có việc đầu tư nâng cấp công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, xây dựng trung tâm điều hành PCTT quốc gia; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ làm công tác tham mưu PCTT chuyên nghiệp, chủ động; Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho PCTT và TKCN, trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về PCTT.

* Chiều 20-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn AEON (Nhật Bản) kiêm Tổng Giám đốc AEON Mall Việt Nam Y.I-oa-mư-ra.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động của AEON tại Việt Nam; mong tập đoàn tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh tiêu thụ nhiều hơn nữa sản phẩm của Việt Nam, đóng góp thiết thực vào quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Giám đốc điều hành AEON Y.I-oa-mư-ra cho biết, tại Việt Nam hiện nay, tập đoàn có bốn trung tâm thương mại (TTTM) AEON Mall và đang xây dựng hai TTTM khác. Tập đoàn mong muốn được đóng góp vào phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hai nước, mong đầu tư vào ngành bán lẻ, tăng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, nhất là nông sản. Tập đoàn sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020 trong bối cảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành nhà cung ứng thực phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng Nhật Bản. Con số này có thể sẽ tăng lên mức một tỷ USD vào năm 2025. Trong năm 2018, tổng giá trị hàng hóa mà AEON nhập khẩu từ Việt Nam để bán tại các siêu thị của tập đoàn này ở Nhật Bản đạt khoảng 250 triệu USD. Ðồng thời AEON đóng góp tích cực vào lĩnh vực an sinh xã hội của Việt Nam.

Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư 20 TTTM tại Việt Nam. Không chỉ về số lượng AEON cũng chú trọng nâng cao chất lượng các TTTM. Hiện, AEON đang xúc tiến sớm đầu tư TTTM AEON Mall Hoàng Mai Giáp Bát ở phía nam Hà Nội với quy mô hiện đại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ, TP Hà Nội ủng hộ AEON đầu tư TTTM quy mô hiện đại ở phía nam Hà Nội là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân ở khu vực này; giao TP Hà Nội xem xét, điều chỉnh quy hoạch để TTTM của AEON Mall ở Hoàng Mai phát triển phù hợp khu vực.