Ngày làm việc thứ 17, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

Hôm qua 12-11, trong ngày làm việc thứ 17, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV, QH dành thời gian thảo luận và nghe các thành viên Chính phủ giải trình về các dự án quan trọng của đất nước; thảo luận và nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc giải trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Đồng thời, biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.

Bảo đảm tiến độ các dự án lớn

Sáng hôm qua, QH thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một; chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pet (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, đa số đại biểu bày tỏ đồng tình về sự cần thiết giám sát, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bởi đây là công trình lớn mang tầm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần hiệu quả trong giải quyết tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay, tăng cường kết nối, thông thương với khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên, việc một dự án lớn với số vốn đầu tư lớn nhưng lại đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và một số đại biểu cho rằng, tiến độ của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện chưa tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng đặt ra của QH khóa XIII. Không những hồ sơ báo cáo dự án, mà tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư triển khai còn chậm so với yêu cầu. Dẫn chứng về những thay đổi thực tế so với nội dung báo cáo tiền khả thi của dự án, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị báo cáo nghiên cứu khả thi cần đề cập rõ hơn đến sự phát triển hàng không trong nước, mức tăng trưởng hành khách... đồng thời nêu rõ hơn khả năng huy động vốn từ các tổ chức đã cam kết và thỏa thuận, tác động của việc huy động vốn trong tiến trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như trần nợ công trong tương lai.

Đánh giá dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ góp phần không nhỏ giúp đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tán thành giao dự án cho các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, buộc phải có những chính sách, phương án quản lý chặt chẽ nguồn vốn huy động, bảo đảm các nguyên tắc khi thực hiện đầu tư. Nhấn mạnh sự cần thiết của yếu tố cạnh tranh lành mạnh trong khâu đấu thầu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn cho rằng, dự án cần tuyệt đối tránh để các nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối, không loại trừ khả năng phải thuê, mua công nghệ, nhân lực nước ngoài để thi công, giám sát dự án. Ngoài ra, do Cảng hàng không quốc tế Long Thành đóng vai trò quan trọng trong trung chuyển hành khách, cho nên khả năng cạnh tranh khi đi vào hoạt động phải thật sự mạnh mẽ, thể hiện qua chất lượng, trình độ công nghệ, hiệu quả dịch vụ.

Liên quan đến dự án Hồ chứa nước Ka Pet, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) lưu ý: Hàm Thuận Nam là địa phương thường xuyên chịu khô hạn với nguồn nước mặt hằng năm được khai thác chủ yếu từ các sông Phan, Mương Mán, La Ngà. Đây là nguồn nước phân bố không đồng đều, mùa mưa thì gây lũ lớn, mùa khô lại bị cạn kiệt nghiêm trọng. Do đó, việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được ưu tiên nhằm đáp ứng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Một số đại biểu khác cho rằng, đây là dự án có mức đầu tư thấp và chủ yếu lấy từ NSNN, hạng mục xây dựng công trình không phức tạp, phù hợp năng lực tổ chức, thực hiện của tỉnh Bình Thuận. Do đó, đề nghị QH cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt nhằm giảm bớt một số thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nêu trên.

Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình một số ý kiến còn khác nhau của đại biểu QH về các dự án nêu trên.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2020. Sau đó, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết này với 451 đại biểu tán thành, bằng 93,37% tổng số đại biểu QH. Theo đó, Nghị quyết thông qua dự toán NSNN năm 2020 với tổng số thu NSNN là 1.512.300.000 triệu đồng, tổng số chi là 1.747.100.000 triệu đồng, mức bội chi là 234.800.000 triệu đồng (tương đương 3,44% GDP).

Nghị quyết giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách. Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu NSNN; cơ cấu lại các khoản thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chống lãng phí, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định. Sau khi đã bảo đảm các nhiệm vụ chi sự nghiệp theo quy định, được sử dụng kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp môi trường để thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư như xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường…

Chiều qua, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.

Cho ý kiến về tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách, các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) và nhiều đại biểu đề nghị sửa Khoản 2, Điều 23 của Luật hiện hành theo hướng quy định tỷ lệ này ở mức cao hơn 35% (cụ thể là 40%) để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ, đồng thời bảo đảm sự tập trung cao nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu trước QH. Liên quan nội dung này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) và một số đại biểu đề nghị nghiên cứu tiến tới hạn chế “công chức hóa” và giảm hợp lý tỷ lệ đại biểu QH kiêm nhiệm, làm việc trong cơ quan hành pháp, tư pháp hay đại biểu theo cơ cấu ngành, nghề nhằm tăng tỷ lệ đại biểu là những người nghỉ hưu, người ngoài Đảng, doanh nghiệp, người dân… có năng lực, trình độ, tâm huyết cống hiến để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, đồng thời thực hiện triệt để nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Nhiều ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung các quy định về Đoàn đại biểu QH để tạo cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu QH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương. Tuy nhiên, cần làm rõ địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Đoàn đại biểu QH và vai trò của đại biểu QH hoạt động chuyên trách tại địa phương ngay trong luật để nâng cao vai trò, vị thế của đại biểu QH trong hoạt động, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại địa phương, đồng thời bảo đảm cơ cấu tổ chức và hoạt động được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ðoàn đại biểu QH, dự thảo luật quy định, Chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm kinh phí hoạt động và các điều kiện cần thiết khác cho Ðoàn đại biểu QH tại địa phương. Lương của đại biểu QH hoạt động chuyên trách tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo phân bổ dự toán của HÐND cấp tỉnh. Các đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) và nhiều đại biểu không tán thành nội dung này, bởi Đoàn đại biểu QH là tổ chức của QH tại địa phương, hoạt động độc lập theo chức năng, nhiệm vụ QH giao, trong đó có việc giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật tại địa phương. Quy định nêu trên có thể hạn chế vai trò, vị thế và ảnh hưởng chất lượng hoạt động của đại biểu QH trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, cần quy định theo hướng, ngân sách Trung ương bảo đảm cho hoạt động của Ðoàn đại biểu QH và đại biểu QH.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu QH.

Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2020.

(Nguồn: Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020)

Để bảo đảm giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chúng ta đã có kế hoạch mở rộng đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Long Thành và đề nghị làm đường sắt kết nối sân bay Long Thành với TP Hồ Chí Minh, triển khai đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành và nâng cấp một số tuyến đường trong khu vực. Qua đó, sẽ kết nối giữa sân bay Long Thành với TP Hồ Chí Minh và sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời sẽ có một số tuyến bus nối trực tiếp giữa hai sân bay, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Khu vực thực hiện Dự án hồ chứa nước Ka Pet là vùng khô hạn bậc nhất của cả nước. Trong đó, kéo dài từ duyên hải Trung Bộ cho đến cực Nam Trung Bộ có Bình Thuận, Ninh Thuận là hai tỉnh chịu khô hạn nhất. Do vậy, việc đầu tư các hồ này rất cần thiết và quan trọng để vừa bảo đảm mục tiêu cắt lũ khi mùa lũ về vừa phải trữ được nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Đây là hai yếu tố rất quan trọng đối với hai tỉnh nêu trên, cũng như các tỉnh khu vực duyên hải miền trung.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng