Ngày làm việc thứ 17, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Thông qua hai nghị quyết

Ngày 11-6, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận về hai dự án luật và biểu quyết thông qua hai Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Ảnh: TRẦN HẢI
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Ảnh: TRẦN HẢI

Xây dựng lực lượng dự bị động viên chất lượng cao

Trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên ( DBÐV), đại biểu Dương Ðình Thông (Bắc Giang) cùng nhiều đại biểu đồng tình và nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật Lực lượng DBÐV. Theo các đại biểu, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng DBÐV là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước về quốc phòng, an ninh (QP,AN), đồng thời bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật đã ban hành, nhất là Luật QP,AN vừa được thông qua. Tuy nhiên, theo các đại biểu hiện vẫn còn có những vướng mắc cần bổ sung, điều chỉnh kịp thời vào dự thảo luật này để tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn nhằm xây dựng lực lượng DBÐV hùng hậu, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ðề cập đến tên của luật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu lại tên của luật để bảo đảm bao quát hết được nội dung của luật bao gồm cả con người và phương tiện kỹ thuật. Vì hiện nay, một số nước có luật giống chúng ta, chỉ có quy định lực lượng DBÐV là con người (tức là về quân nhân dự bị) mà không có phương tiện kỹ thuật… Việc quy định phương tiện kỹ thuật đã đăng ký thuộc lực lượng DBÐV tại dự thảo Luật cần được cân nhắc phù hợp Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Ðảng. Có đại biểu cho rằng, tại khoản 2 Ðiều 35 quy định phương tiện huy động phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng DBÐV thì chủ phương tiện được Nhà nước thanh toán chi phí… Tuy nhiên, dự thảo Luật cần làm rõ "Bù đắp một phần giá trị sinh lợi do bản thân phương tiện làm ra trong thời gian huy động" là như thế nào? Vì nếu thực hiện theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản thì giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá phổ biến trên địa bàn địa phương của tài sản cùng loại hoặc cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ tại thời điểm quy định trưng mua tài sản...

Ðề cập đến nguyên tắc xây dựng lực lượng DBÐV, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) và một số đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đăng ký, sắp xếp, huy động lực lượng DBÐV, tạo thuận lợi cho người dân và để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự và các luật khác có liên quan. Hơn nữa, lực lượng DBÐV gồm: sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị đều thuộc đối tượng quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, rất thuận lợi cho việc thống kê, sắp xếp; những thông tin thay đổi được địa phương bổ sung, cập nhật. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin các cơ quan có thể nắm được số lượng và hiện trạng của các loại phương tiện kỹ thuật có thể huy động được.

Quốc hội thông qua hai Nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao

Trong phiên làm việc buổi chiều, QH nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và biểu quyết thông qua Nghị quyết nêu trên. Kết quả, có 443 đại biểu tán thành (chiếm 91,53%).

Tiếp theo chương trình làm việc, QH nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và biểu quyết thông qua Nghị quyết nêu trên. Kết quả, đã có 448 đại biểu tán thành (chiếm 92,56%).

Thảo luận về dự án Luật Thư viện, đa số các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Thư viện, cho rằng dự án Luật đã có nhiều điểm mới nhằm mở rộng các quy định đối với hệ thống thư viện ngoài công lập; đẩy mạnh xã hội hóa, cho phép và khuyến khích thành lập thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng... Tuy nhiên, những quy định liên quan các chính sách của Nhà nước trong thu hút đầu tư những loại hình thư viện nêu trên lại có phần chung chung, chưa làm rõ nét các ưu đãi dành cho bộ phận những người mong muốn phát triển văn hóa đọc thông qua xây dựng thư viện. Do đó, một số đại biểu đã đề nghị, Ban Soạn thảo dự án Luật nghiên cứu thêm một số quy định từ Luật Thư viện ở một số quốc gia với văn hóa đọc phát triển trên thế giới, cụ thể như: chính sách giảm thuế nhà đất dùng làm thư viện; trợ cấp, hỗ trợ hoặc giảm thuế doanh thu, trợ cấp bổ sung tài liệu; mời tham gia cung cấp dịch vụ công tại các thư viện, thay vì dựa hoàn toàn vào nguồn bao cấp từ Nhà nước,...

Liên quan các quy định về thư viện đại học, "thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác" trong dự án Luật, đại biểu Bùi Thu Thủy (Thanh Hóa) và một số đại biểu khác nhận định: Ðây đều là những loại hình thư viện có vai trò quan trọng trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa theo Hiến pháp năm 2013; đồng thời phục vụ nhu cầu giải trí chính đáng của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các nhà trường. Ðây là gốc rễ của việc hình thành và phát triển văn hóa đọc, xây dựng môi trường học tập lành mạnh. Tuy nhiên, việc hoạt động của các loại hình thư viện nêu trên hiện vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, nhiều thư viện trong các nhà trường không được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, vốn tài liệu... Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo dự án Luật cân nhắc, thể hiện rõ hơn những nội dung, quy định liên quan đến loại hình "thư viện thuộc cơ sở giáo dục khác" theo hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Cụ thể, bổ sung các quy định về chính sách đầu tư cho thư viện thuộc cơ sở giáo dục công lập, tránh chỉ phụ thuộc vào "sự quan tâm" của Ban giám hiệu, Hiệu trưởng nhà trường; quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục trong bổ sung vốn tài liệu mới theo nhu cầu sử dụng.

Về quan điểm phát triển thư viện gắn với phát triển văn hóa đọc, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp) cho rằng, các quy định của dự án Luật cần thể hiện rõ hơn quan điểm phân biệt sự đầu tư của Nhà nước ở ba mức độ cụ thể: ưu tiên, bảo đảm và hỗ trợ. Ngoài ra, ở mỗi mức độ, cần làm rõ các loại hình hoạt động, đối tượng được hỗ trợ. Ðối với tiêu chí ưu tiên, cần có thêm các quy định thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với công tác đầu tư, hiện đại, số hóa các thư viện công lập trọng điểm, đẩy mạnh hoạt động liên thông giữa các thư viện công lập trọng điểm với thư viện nước ngoài cũng như các loại hình thư viện khác ở trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kho tư liệu số hóa dùng chung. Về tiêu chí bảo đảm, dự án Luật cần bảo đảm phát huy các hoạt động của thư viện công lập, như: sưu tầm, bảo quản phát huy giá trị của các loại tài liệu cổ hay hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực thư viện. Với tiêu chí hỗ trợ, dự án Luật cần khuyến khích các hoạt động xã hội hóa sự nghiệp thư viện, điển hình như cho mượn trụ sở, mượn đất đối với các phòng đọc cộng đồng, thư viện ngoài công lập phục vụ cộng đồng; miễn thuế cho các khoản thu từ dịch vụ có thu phí trong thư viện công lập, ngoài công lập...

Quân nhân dự bị xếp trong đơn vị DBĐV quy định ở Điều 23 của dự thảo Luật Lực lượng DBĐV quy định nghĩa vụ, nhưng không quy định về quyền của quân nhân dự bị, mặc dù trong các quy định khác về chính sách có thể hiện quyền của quân nhân dự bị. Việc thiếu vắng một điều luật riêng biệt và tập trung các quyền lại bên cạnh nghĩa vụ sẽ ít nhiều dẫn đến một số hệ quả, chưa thể hiện hết tinh thần hiến định khi Hiến pháp khẳng định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân... Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm để có quy định phù hợp.

Đại biểu NGUYỄN THANH XUÂN
(TP Cần Thơ)

Dự án Luật Thư viện có một điều khoản không cần thiết về “hành vi bị nghiêm cấm” là quy định “Cấm truyền bá văn hóa phản động”. Theo tôi, bất cứ vấn đề, hành vi, hoạt động nào đã bị coi là “phản động” thì không thể là “văn hóa”. Do đó, rõ ràng không tồn tại thứ gọi là “văn hóa phản động”.

Đại biểu DƯƠNG TẤN QUÂN
(Bà Rịa - Vũng Tàu)