Ngày làm việc thứ ba, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Thống nhất với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Ngày 23-10, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường và dành cả ngày để thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp xu thế

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Ðảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn có hai quan điểm về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ đã trình tại kỳ họp thứ bảy. Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số..., không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau và người lao động (nhất là nhóm lao động trực tiếp) sẽ dễ chấp nhận hơn.

Tuổi nghỉ hưu là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, vì vậy Ủy ban Thường vụ QH báo cáo trình QH hai phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Ðiều 169 để xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1 (phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với lao động nam và bốn tháng đối với lao động nữ.

Phương án 2 (phương án quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình): Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1-1-2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Thảo luận về nội dung nêu trên, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Ðại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, việc tăng tuổi phù hợp tình hình hiện nay, khi sức khỏe và tinh thần của người lao động được cải thiện nhiều so trước đây. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2017, người cao tuổi Việt Nam chiếm 11,9% trong tổng số dân số; dự kiến đến năm 2038, nhóm dân số hơn 60 tuổi đạt 21 triệu người, cứ 10 người có một người hơn 60 tuổi; tuổi thọ trung bình hiện nay đối với nam là 72,1 tuổi; nữ là 81,3 tuổi. Trong khi tuổi thọ đang cao thì tuổi nghỉ hưu lại tương đối thấp so với thế giới, ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế - xã hội nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp, đồng thời ảnh hưởng đến việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Ðồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, các đại biểu Võ Ðình Tín (Ðác Nông), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật… Ðồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Ngoài ra, cần có quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ trước tuổi hoặc sau tuổi, không phải như trong luật là 5 năm mà khoảng 10 năm. Có khoảng rộng như vậy để xem xét đến những người lao động ở môi trường nặng nhọc, độc hại, vẫn có thể nghỉ hưu ở độ tuổi 50 đến 52, tương đối phù hợp và có thể chấp nhận được. Lộ trình minh bạch, công khai để người lao động biết được mình sẽ nghỉ hưu như thế nào trong độ tuổi sức khỏe bình thường nhằm phát huy được chuyên môn kỹ thuật cao của những lao động có năng lực.

Xem xét kỹ vấn đề làm thêm giờ

Về vấn đề thời giờ làm việc bình thường (Ðiều 105), một số ý kiến đại biểu QH đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như quy định hiện hành về tuần làm việc 48 giờ.

Ðối với vấn đề mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Ðiều 107), nhiều ý kiến đại biểu QH đề nghị giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như hiện hành; một số ý kiến tán thành việc mở rộng lên 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.

Ủy ban Thường vụ QH giữ quan điểm cho rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn tiếp tục trình QH phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại kỳ họp thứ bảy, để tiếp tục thảo luận và xem xét, với hai phương án. Theo đó, phương án 1: quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ hơn 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động. Phương án 2: nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu QH, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ hơn 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo nghị định chi tiết.

Về nội dung thời gian làm việc bình thường, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành là 48 giờ/tuần. Ðây là quy định phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn, nhưng cần quy định linh hoạt thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích thực hiện tuần làm việc ít hơn là 44 hay 40 giờ tùy thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Về thời gian làm thêm, đại biểu Vũ Tiến Lộc ủng hộ phương án 2 nới rộng có chừng mực khung thỏa thuận làm thêm, theo đó đối với một số ngành nghề đặc biệt thời gian làm thêm không quá 400 giờ trong một năm. Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề nghị chọn phương án 1 là giữ lại như quy định hiện hành, đồng thời có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ/1 năm. Ðại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, người công nhân cần làm thêm giờ để được tăng thu nhập, trang trải cuộc sống tối thiểu của họ và gia đình. Quốc hội cần có chính sách giúp người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, đồng thời có thời gian học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội…

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã giải trình, trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề các đại biểu QH nêu ra. Ðồng thời cho biết, việc sửa đổi Bộ luật đã thu hút sự quan tâm của nhân dân, các tổ chức quốc tế… Ðến nay đã có 170 ý kiến tại tổ và 79 ý kiến phát biểu qua kỳ họp thứ bảy, và tại buổi thảo luận này đã có 53 ý kiến phát biểu đề cập sâu vào 22 nhóm nội dung khác nhau. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật để báo cáo QH…

Theo luật hiện hành thời gian làm việc của chúng ta là 48 giờ/tuần và trong luật cũng quy định khuyến khích doanh nghiệp thực hiện làm việc 40 giờ/tuần. Theo thống kê, hiện có khoảng 86,9% doanh nghiệp đang làm 48 giờ; 3,6% doanh nghiệp làm 44 giờ và 6,8% doanh nghiệp làm 40 giờ/tuần. Trong báo cáo nêu rõ tám trong số 10 nước ASEAN bố trí giờ làm như Việt Nam… Theo tính toán, nếu giảm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ làm việc trong một tuần, một năm chúng ta giảm đi 208 giờ làm việc, như thế tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm 22 tỷ USD. Chúng ta đang nỗ lực để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, nên đây là vấn đề lớn, hệ trọng với quốc gia, cần phải có đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc bình thường.

ĐÀO NGỌC DUNG
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội

Với phương án tăng giờ làm thêm (Điều 107), nên giữ như quy định hiện hành. Tuy nhiên, để bảo đảm trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cần có quy định cụ thể, rõ hơn ở một số ngành nghề cụ thể. Cần phải cân nhắc kỹ về làm thêm giờ để tạo sự hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động để có sự thấu hiểu, đồng hành cùng nhau xây dựng, phát triển theo hướng có lợi, tiến bộ hơn cho người lao động để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và gia đình… Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người lao động về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đại biểu A Long
(Kon Tum)