Thái Nguyên tăng cường đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ

Thực hiện các quy định của Trung ương về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng và xác nhận trình độ lý luận chính trị (LLCT), những năm qua các cấp ủy, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm và tăng cường chọn, cử cán bộ đi học các lớp LLCT trong tỉnh.

Người dân xã Ea Nuôi, huyện Buôn Ðôn (Ðác Lắc) tăng diện tích trồng cà-phê nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: HỒNG HẠNH
Người dân xã Ea Nuôi, huyện Buôn Ðôn (Ðác Lắc) tăng diện tích trồng cà-phê nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: HỒNG HẠNH

Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc trong lĩnh vực công tác này. Việc triển khai đào tạo trình độ trung cấp, cao cấp LLCT và cử nhân chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh được tiến hành thường xuyên, đạt hiệu quả. Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã cử 1.179 đồng chí đi học cao cấp LLCT, hoàn chỉnh kiến thức, trong đó học tập trung tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I là 344 đồng chí; học không tập trung tại tỉnh là 835 đồng chí; đồng thời Trường Chính trị tỉnh phối hợp các huyện, thành phố, thị xã đã đào tạo trình độ trung cấp LLCT cho 8.383 đồng chí; đào tạo sơ cấp LLCT cho 2.520 đồng chí.

Số lượng cán bộ, đảng viên được đào tạo về trình độ LLCT của tỉnh hằng năm đều tăng. Thông qua đào tạo, đã giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, góp phần xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

* Ðác Lắc nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Thời gian qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy lùi tín dụng đen tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cấp ủy và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức hoạt động giao dịch tại các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giúp người dân vay vốn được thuận lợi; thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để tư vấn, hỗ trợ thủ tục vay vốn phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Tỉnh đang chỉ đạo chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cần rà soát các nguồn vốn cho vay ưu đãi từ ngân sách nhà nước để chuyển giao hoặc ủy thác tập trung vào một đầu mối thực hiện là NHCSXH để thuận lợi trong việc quản lý và cho vay; NHCSXH thường xuyên kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, chú trọng hướng dẫn hộ vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tăng cường xử lý nợ đọng, quản lý vốn vay bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội an toàn và hiệu quả. Ðồng thời cán bộ, đảng viên phụ trách các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số coi trọng nâng cao chuyên môn, gần gũi với nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt việc hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác làm thủ tục vay vốn, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích.