Thái Nguyên phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

* Quảng Trị chủ động ứng phó mùa mưa lũ

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã xác định phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Mô hình sản xuất chè theo công nghệ VietGAP tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: MINH ANH
Mô hình sản xuất chè theo công nghệ VietGAP tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: MINH ANH

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 ngành nông nghiệp sẽ có những sản phẩm chủ lực từ chè, cây ăn quả, rừng gỗ lớn và chăn nuôi. Tỉnh thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, trồng cây ăn quả tập trung ở các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên. Vùng chăn nuôi tập trung, trang trại ở các huyện có quỹ đất rộng như Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương… phát triển chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tỉnh cam kết thực hiện hiệu quả chính sách hiện hành về hỗ trợ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm. Để cụ thể hóa chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, tỉnh rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn tiếp theo. Mặt khác, tập trung đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các trung tâm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP; thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn vốn, nhất là khi sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường. Được biết, năm 2020, giá trị sản xuất chè của tỉnh ước đạt 5.580 tỷ đồng; cây ăn quả hơn 430 tỷ đồng; chăn nuôi đạt 3.696 tỷ đồng.

* Nhằm ứng phó với mùa mưa lũ đang đến gần, tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ.

Cụ thể, cơ quan chức năng rà soát, đánh giá khả năng thoát lũ của vùng hạ du các hồ chứa; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ hồ chứa để ngăn chặn xử lý; cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục khẩn cấp sự cố mất an toàn hồ chứa. Toàn tỉnh hiện có 131 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 25.000 ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa đã được xây dựng từ lâu, các tiêu chuẩn thiết kế chưa phù hợp, tần suất thiết kế phòng lũ, xả lũ còn thấp, thường xảy ra hiện tượng mất an toàn hồ chứa, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão. Tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn vốn, nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa với tổng kinh phí hơn 820 tỷ đồng. Một khó khăn khác hiện nay là cán bộ quản lý vận hành hồ chứa ở cấp xã hầu như chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho nên thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong khai thác vận hành hồ chứa. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo ban, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương xây dựng quy trình vận hành, lập phương án phòng chống thiên tai của các hồ chứa do địa phương quản lý; đồng thời hỗ trợ kiểm định an toàn đập, xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, tập huấn vận hành bảo đảm an toàn hồ đập cho cán bộ cấp xã.