Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 18-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37.

Buổi sáng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Xây dựng được QH khóa XIII thông qua ngày 18-6-2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp thực tiễn của đất nước. Tuy nhiên, đã có một số yêu cầu mới từ thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung luật để tiếp tục thể chế hóa nghị quyết của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.

Thảo luận về nội dung nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng: Khi đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung luật phải phân tích và xác định rõ những vướng mắc xuất phát từ bất cập của các quy định trong luật hiện hành hay từ nguyên nhân chủ quan trong thực tiễn thực hiện quản lý xây dựng. Ðể giải quyết căn bản những vấn đề bức xúc hiện nay, cần có báo cáo tổng kết sâu về công tác thi hành luật thời gian qua, nêu rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng cần tháo gỡ; đánh giá hiệu quả đầu tư, chất lượng các công trình, thực trạng thất thoát, lãng phí, nhất là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, cần tập trung xem xét rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận, làm chủ các công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng… Ðề nghị, Chính phủ cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn diện dự án luật để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng, nhất là trước những xu hướng phát triển mới trong hoạt động xây dựng hiện nay.

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH phê duyệt Ðề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Ðề án đặt mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, trong đó đến năm 2025, thu nhập trung bình của người DTTS tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; hơn 80% người lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định; hơn 90% đường giao thông ở thôn, bản được cứng hóa; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; hơn 90% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT…

Ủy ban TVQH tán thành sự cần thiết xây dựng, đồng tình với các quan điểm thể hiện trong Ðề án, nhưng đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ thêm quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về chính sách dân tộc giai đoạn vừa qua đã phù hợp tình hình thực tiễn chưa? Giai đoạn mới cần có sự đổi mới như thế nào để tập trung được nguồn lực, đi vào khâu cốt lõi, đột phá, tháo gỡ những điểm khó khăn nhất. Một số ý kiến cho rằng, cần coi chính sách đối với vùng DTTS và miền núi là chính sách đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, chứ không phải là chính sách hỗ trợ, cho nên xác định ngân sách nhà nước là nguồn lực đầu tư chủ yếu, quan trọng, có tính chất quyết định. Ngoài ra cần có cơ chế để huy động, liên kết với nguồn lực xã hội hóa của cộng đồng, doanh nghiệp nhằm tăng cường đầu tư vùng DTTS... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giao thông, chỉ tiêu về trồng rừng, tăng độ che phủ rừng… là những vấn đề bức xúc hiện nay trong vùng DTTS và miền núi.

Theo Ðề án, tổng vốn thực hiện tối thiểu là hơn 335.421 tỷ đồng, được triển khai tại 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Có ý kiến cho rằng, đây là những nơi có đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng, trong đó nhiều nơi kinh tế - xã hội phát triển ngang bằng cả nước và khu vực, nhưng nhiều xã ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa vẫn rất khó khăn. Do vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng bộ tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi, làm căn cứ xác định phạm vi, địa bàn tác động của Ðề án để lượng hóa chính xác hơn về nguồn lực đầu tư, đồng thời tập trung chính xác vào “vùng lõi” cần ưu tiên đầu tư.