Ngày làm việc thứ sáu, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Tạo thuận lợi để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư

Hôm qua 26-5, kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc trực tuyến.

Các đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng họp trực tuyến tại điểm cầu. Ảnh: THANH TÙNG
Các đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng họp trực tuyến tại điểm cầu. Ảnh: THANH TÙNG

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, cho biết, tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019), QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật nêu trên. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 42. Dự thảo luật đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu QH (ÐBQH) hoạt động chuyên trách, các đoàn ÐBQH và sau đó tiếp tục được Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 45 trước khi được gửi đến các vị ÐBQH. So với dự thảo luật trình QH tại kỳ họp thứ tám, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản của Luật Tổ chức QH.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, đề cập về phạm vi sửa đổi, bổ sung, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện để QH thông qua, xứng đáng với tầm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo; cần có quy định để nâng cao vị trí, vai trò của ÐBQH, đoàn ÐBQH trong thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cơ cấu tổ chức của QH, bộ máy giúp việc cho đoàn ÐBQH cần sửa đổi, bổ sung.

Ðề cập về đoàn ÐBQH (Ðiều 33) trong dự thảo luật, đại biểu Hoàng Ðức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, việc tiếp thu, giải trình của Ủy ban TVQH về dự án luật chưa thỏa đáng. Bởi vì, vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất là cần định vị địa vị pháp lý của đoàn ÐBQH, theo đó, cần bổ sung quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, như: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, các đại biểu thành viên, hoạt động của đoàn ÐBQH. Mối quan hệ công tác của Ðoàn ÐBQH với Ủy ban TVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các cơ quan thuộc Ủy ban TVQH, quan hệ với hệ thống chính trị ở địa phương và mỗi ÐBQH thuộc đoàn như thế nào? Ðây là vấn đề rất quan trọng mà luật hiện nay chưa giải đáp cụ thể, dẫn đến hoạt động của đoàn ÐBQH có lúc chưa rõ nét, lúng túng về nội dung, phương thức. Bên cạnh đó, luật không nên chỉ xác định đơn giản, chung chung rằng đoàn ÐBQH là hình thức tổ chức hoạt động của ÐBQH theo kiểu tập hợp cơ học như hiện nay, mà cần phải xác định đoàn ÐBQH là tổ chức đại diện cho QH, là tổ chức của QH, thực thi nhiệm vụ của QH được giao tại địa phương. Trong thực tế, đoàn ÐBQH đã làm các nhiệm vụ như: Xây dựng pháp luật, tiếp dân, tiếp xúc cử tri, giám sát thi hành pháp luật, tiếp nhận phản ánh và giám sát, giải quyết đơn thư kiến nghị của nhân dân; thảo luận về các quyết định quan trọng của QH... Ðoàn ÐBQH là một chế định của QH, là thành phần, cơ cấu bên trong của QH, là cánh tay nối dài của QH ở địa phương, là chủ thể có địa vị pháp lý đầy đủ trong hệ thống chính trị, do vậy cần thiết kế hướng trao cho đoàn ÐBQH một số quyền, trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể, có như thế mới thấy rõ được địa vị chính trị chính danh của đoàn ÐBQH.

Về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, tôi thống nhất nâng từ 35% lên ít nhất là 40% trong tổng số ĐBQH. Việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các Ủy ban và các đoàn ĐBQH khẳng định vị thế, vai trò, trọng trách của ĐBQH, cơ quan của QH, đoàn ĐBQH; đồng thời tiếp tục đổi mới hoạt động của QH, nâng cao hiệu quả hoạt động của các vị ĐBQH, các cơ quan của QH theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn.

Đại biểu NGUYỄN THANH THỦY (Hậu Giang)

Ðề cập ÐBQH hoạt động chuyên trách, một số đại biểu đồng tình việc tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo là số lượng ÐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% như giải trình để tăng tính chuyên nghiệp, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định khoảng từ 3% đến 5% cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đủ các điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác,
có trí tuệ, uy tín và bản lĩnh để có thể tham gia làm ÐBQH hoạt động chuyên trách, mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của QH, các đoàn ÐBQH.

Cuối phần thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Cũng trong phiên làm việc sáng qua, các ÐBQH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo Tờ trình, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên,những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách của Nhà nước, cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi

Buổi chiều, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ðầu tư (sửa đổi), QH tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Ðầu tư (sửa đổi).

Các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động đầu tư kinh doanh thời gian qua, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý minh bạch thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, để Luật Ðầu tư (sửa đổi) thật sự phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn trong tình hình mới, cần quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Ðầu tư và các luật: Xây dựng, Nhà ở, Ðất đai, Ðấu thầu, Kinh doanh bất động sản… để sửa đổi, bổ sung phù hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nội dung nhận được nhiều ý kiến tại phiên thảo luận là việc cấm hay không cấm hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Nhiều ý kiến tán thành phương án không quy định cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Ðầu tư hiện hành, vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ là xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, nhưng cần bổ sung quy định điều kiện hoạt động chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình này. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị giữ quy định như dự thảo luật đã trình QH tại kỳ họp thứ tám, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi vì, thời gian qua, hiệu quả đóng góp của hoạt động này chưa rõ ràng, nhưng đã gây nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Có đại biểu đề nghị bổ sung kinh doanh nước sạch vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì nước sạch là hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nhưng vừa qua do buông lỏng quản lý dẫn đến xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe người dân, gây hoang mang dư luận. Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, như: bào thai, mô, tạng, bộ phận, cơ quan cơ thể người… Bên cạnh đó, cần tiếp tục giữ lại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng, vì quá trình hỏa táng không chỉ liên quan quy trình, quy chuẩn mà còn liên quan văn hóa, đạo đức xã hội, môi trường.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiến hành các bước bảo đảm triển khai hiệu quả Hiệp định CPTPP và QH chuẩn bị phê chuẩn các hiệp định EVFTA, EVIPA, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn tiêu chí, nguyên tắc xác định ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài để tạo thuận lợi, đề cao tính minh bạch nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, cũng như xử lý các tình huống phát sinh, các hoạt động vi phạm nếu có. Bên cạnh đó, để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, nâng cao hiệu quả, chất lượng, dự thảo luật cần tiếp tục hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng xác định rõ nguyên tắc, điều kiện cần bảo đảm để nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi, trong đó cần nhấn mạnh yếu tố kết quả, hiệu quả sau khi triển khai dự án của nhà đầu tư.

Hiện nay, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề đến nước ta, nhưng một số nhà đầu tư chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý chất thải, rác thải. Nếu không kiên quyết ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên và con người, để lại hậu quả lớn và lâu dài. Do đó, cần quy định cụ thể, mạnh mẽ trong Luật Đầu tư (sửa đổi) chế tài xử lý theo hướng, nhà đầu tư phải chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đại biểu PHẠM NHƯ HIỆP(Thừa Thiên Huế)