Tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội

NDO -

NDĐT- Ngày 26-5, thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, tất cả các ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất với quy định tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, nhằm tăng tính chuyên nghiệp, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 26-5. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 26-5. Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các Đoàn ĐBQH, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp trước (kỳ họp thứ tám). Các tiếp thu, chỉnh lý tập trung vào các nội dung như tiêu chuẩn một quốc tịch đối với ĐBQH; tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách; việc tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách;…

Tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách - tăng tính chuyên nghiệp

ĐBQH Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) bày tỏ đồng tình với tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo về nội dung nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% như trong dự thảo Luật. Việc bảo đảm số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% trong tổng số ĐBQH sẽ tăng tính chuyên nghiệp, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Mai Hoa (Đồng Tháp) đánh giá việc tiếp thu ý kiến đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40% là một điểm mới, một điểm nhấn trong dự thảo luật lần này. Đại biểu cho biết thời gian qua, khi các ĐBQH muốn bấm nút thông qua một nội dung nào đó còn nhiều ý kiến tranh cãi thì việc các ĐBQH có những hiểu biết chuyên sâu đã có những tác động rất lớn tới các ĐBQH khác. Đại biểu cho rằng việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất từ 35% lên 40% thực sự là một cơ hội để các ĐBQH có thể tiếp cận một cách đúng đắn hơn, tiếp cận sâu hơn vào các dự thảo luật hay những vấn đề là chuyên sâu.

Tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Đoàn Lạng Sơn tham gia thảo luận trực tuyến. Ảnh: Quochoi.vn

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, việc tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các Ủy ban và các Đoàn ĐBQH cũng khẳng định vị thế, vai trò, trọng trách của ĐBQH, cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH. Đồng thời việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách cũng tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các vị ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị trong Đề án bầu cử Quốc hội sắp tới và trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần phải quy định rõ và chặt chẽ để bảo đảm tối thiểu phải được 40% ĐBQH là đại biểu chuyên trách. Rút kinh nghiệm qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV quy định tối thiểu 35% đại biểu chuyên trách nhưng thực tế không đạt được tỷ lệ này. Đại biểu nhấn mạnh, khi đã ban hành luật này thì phải bảo đảm quy định và hướng dẫn chặt chẽ trong Đề án để đạt tối thiểu được 40% là đại biểu chuyên trách.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình cũng đề nghị khi xem xét, phân bổ chỉ tiêu trong Đề án không nên nặng về cơ cấu đại biểu mà chú trọng đến chất lượng đại biểu.

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội

Về kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH, các vị đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc dự thảo luật đã điều chỉnh theo hướng ngân sách Trung ương bảo đảm hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Bên cạnh đó, giải trình các ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đây cũng là vấn đề luôn được đề cập qua mỗi lần Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi. Đoàn ĐBQH là một chế định rất đặc thù của Quốc hội Việt Nam và cũng đã song hành cùng với Quốc hội Việt Nam hơn 60 năm nay, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Quốc hội lần đầu tiên năm 1960. Qua mỗi lần sửa đổi thì địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH cũng ngày càng được hoàn thiện. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành thì Đoàn ĐBQH có chức năng, nhiệm vụ, có trụ sở, có bộ máy giúp việc và được bảo đảm kinh phí để hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn mà luật giao. Những quy định này đang tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, nghiên cứu báo cáo công tác của các Đoàn ĐBQH và ý kiến các Đoàn ĐBQH thì những vướng mắc, bất cập hiện nay chủ yếu liên quan cách thức tổ chức công việc của Đoàn và việc thực hiện công tác quản lý cán bộ, giải quyết chế độ chính sách đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn. Dự thảo Luật đã có những sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn, giải quyết những bất cập này. Trong thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục có những quy định cụ thể liên quan đến hoạt động của Đoàn ĐBQH, giải quyết một số vướng mắc như trong quan hệ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với các cơ quan Quốc hội; quan hệ phối hợp các cơ quan thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân... cũng như là việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH chuyên trách.

Đối với các ý kiến đại biểu về bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy giúp việc, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm để có ý kiến với Chính phủ trong quá trình xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn, bảo đảm cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của Đoàn ĐBQH đối với cơ quan tham mưu giúp việc, cũng như đối với bộ phận chuyên trách giúp việc trực tiếp cho Đoàn ĐBQH.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là một dự án luật quan trọng, được cử tri và các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm; các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội về những nội dung của dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản và suy nghĩ để tiếp tục thảo luận về nội dung của dự án luật này.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội