Sớm hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

NDO -

Tại phiên họp 47 sáng nay, 10-8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Cư trú (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Cư trú (sửa đổi).

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp cần có các biện pháp chỉ đạo, tổ chức quyết liệt để xây dựng số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư, đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để đạt được mục tiêu của dự án luật đề ra.

“Mốc” vận hành chính thức từ 1-7-2021

Thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của của dự án Luật Cư trú (sửa đổi), nhiều đại biểu đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu đã cho ý kiến tại Kỳ họp 9.

Nhiều đại biểu đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh thực hiện xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư, nhằm giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư…

Chung quanh vấn đề từ ngữ liên quan cư trú, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định nơi cư trú và nơi cư trú không ổn định nhưng trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lại không có khái niệm này. Do đó, ban soạn thảo cần làm rõ hơn các khái niệm.

Tại phiên họp, giải trình về nội dung này, theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, cư trú có nhiều khái niệm như cư trú hợp pháp và bất hợp pháp. Nơi thường trú và nơi tạm trú để quản lý dân cư. Để đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì cần có chỗ ở hợp pháp. Thời gian qua còn một số vướng mắc, đây là thực tế đang tồn tại, khiến công tác quản lý dân cư gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ban soạn thảo sẽ rà soát những tồn tại, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao hai cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra ngay sau Kỳ họp 9 đã khẩn trương phối hợp hoàn thiện Báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu, tại phiên họp lần này Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nghiên cứu, rà soát đồng bộ với các quy định của các luật liên quan.

Cho ý kiến về điều kiện tạm trú, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần cố gắng tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho người dân về chỗ ở nhưng công tác quản lý của cơ quan nhà nước vẫn hiệu quả. Đây là yêu cầu cao, nhằm bảo đảm điều kiện sinh sống của người dân, bảo đảm quyền học tập, thực hiện các chính sách cứu trợ, thảm họa, các chính sách an sinh xã hội.

Để phù hợp yêu cầu mới, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục tăng cường quản lý theo hướng giảm thủ tục hành chính, giảm các điều kiện giấy tờ không cần thiết. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, không thể lấy điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú để ngăn tình trạng người dân ở nông thôn di chuyển vào các thành phố lớn sinh sống và làm việc.

Nhiều đại biểu quan tâm nội dung dự thảo luật đề cập về thời điểm có hiệu lực của luật và quy định chuyển tiếp. Tham gia ý kiến thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vẫn còn có một số ý kiến lo ngại không đủ thời gian thực hiện, tuy nhiên Chính phủ, Bộ Công an khẳng định đủ thời gian thực hiện chuyển tiếp. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì Quốc hội có thể ra nghị quyết gia hạn thêm thời gian thực hiện. Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu phát biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực là từ ngày 1-7-2021.

Trong quá trình thẩm tra, thảo luận còn một số ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tiếp tục trình Quốc hội những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong kỳ họp tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Công an thời gian qua thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 1-7-2021 là thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần đầu tư đúng hướng, giao trách nhiệm rõ và bổ sung các quy định để ngành chủ động triển khai đạt kết quả.

Giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân

Phát biểu kết luận nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.

Về điều kiện đăng ký thường trú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo luật. Trong đó, dự thảo Luật có giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định diện tích chỗ ở hợp pháp tối thiểu được đăng ký thường trú.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì hiện nay Hội đồng nhân dân ở các địa phương khác nhau lại có quy định khác nhau, có thể là rào cản mới trong đăng ký thường trú. Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đây là quy định diện tích tối thiểu nhà ở đối với nhà cho thuê, nhà được mượn thì bắt buộc cần có diện tích tối thiểu.

Về xóa đăng ký thường trú và xóa đăng ký tạm trú, các đại biểu nhất trí với quy định trong dự thảo luật tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn điều kiện xóa thường trú, tạm trú, nhằm bảo đảm yêu cầu đăng ký nhưng cũng đề cao trách nhiệm của công dân.

Về thời điểm có hiệu lực pháp luật và quy định chuyển tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu quy định hiệu lực luật này là 1-7-2021 nhưng thời điểm chuyển tiếp là 31-12-2025, tức là sau 5 năm mới bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú, quy định như vậy không phù hợp.

Bởi vì, thực tế hiện nay chỉ thay phương thức quản lý bằng phương pháp thô sơ (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) chuyển sang phương pháp mới (số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú). Mục tiêu cuối cùng là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, nếu kéo dài thời gian chuyển tiếp thì không phù hợp.

Vấn đề đặt ra là Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp cần có các biện pháp chỉ đạo, tổ chức quyết liệt để xây dựng số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư; đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực thực hiện nhiệm vụ này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an xây dựng dự toán kinh phí ngân sách dành cho lĩnh vực này, trình Quốc hội vào cuối năm 2020 để sang năm 2021 có kinh phí để triển khai, nhằm sớm đạt các chương trình, mục tiêu đề ra.

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng liên quan việc tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức quản lý dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho công dân và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về cư trú.

Dự án luật nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổ chức hội nghị lấy ý kiến, dự kiến nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Đối với điều kiện đăng ký thường trú, quy định tại Điều 21, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như luật hiện hành.

Về quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo luật giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú, nhưng cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ tăng thêm điều kiện đăng ký thường trú so với hiện nay (đối với các tỉnh), tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương khác nhau và chưa thật sự phù hợp nguyên tắc quyền tự do cư trú chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.

Về thời điểm có hiệu lực của luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40), vừa qua còn một số ý kiến đề nghị trong luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp, bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày bốn nội dung lớn được đưa ra xin ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú (Điều 2); Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21); Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30); Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40).

Khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội