Ðại hội lần thứ X của Ðảng

Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển

Ðại hội lần thứ X của Ðảng - Ðại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững, diễn ra từ ngày 18 đến 25-4-2006 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.176 đại biểu, đại diện cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Ðảng.

Ðại hội đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội IX, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới.

Ðại hội nhận định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội IX, nền kinh tế của nước ta đã vượt qua thời kỳ suy giảm, có tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển tương đối toàn diện. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,... trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng.

Nhìn lại 20 năm (1986 - 2006), Ðại hội đánh giá, công cuộc đổi mới ở nước ta đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Ðất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Qua 20 năm đổi mới, Ðảng, Nhà nước ta tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý. Ðó là, quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, cách làm phù hợp; đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân; phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực trong điều kiện mới; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân,…

Về mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006 - 2010, Ðại hội xác định, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong lĩnh vực kinh tế, Ðại hội chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội.

Ðối với công tác xây dựng Ðảng, phải dành nhiều công sức tạo chuyển biến rõ rệt để xây dựng Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Ðây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Ðảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành T.Ư gồm 160 Ủy viên chính thức và 21 Ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành T.Ư bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư gồm tám đồng chí. Ðồng chí Nông Ðức Mạnh được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư. Hội nghị T.Ư 9 họp từ ngày 5 đến 14-1-2009 bầu bổ sung một đồng chí vào Bộ Chính trị, hai đồng chí vào Ban Bí thư.

(Biên soạn từ Văn kiện Ðảng toàn tập)