Quốc hội thông qua 33 sửa đổi, bổ sung của hai Luật tổ chức

NDO -

NDĐT - Chiều 22-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 89,23% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Các đại biểu Quốc hội đoàn biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (ẢNH: DUY LINH)
Các đại biểu Quốc hội đoàn biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (ẢNH: DUY LINH)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung hai Luật Tổ chức) gồm 33 sửa đổi, bổ sung tại hai Luật Tổ chức và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ gồm năm điểm: nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng; nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ; cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; hình thức hoạt động của Chính phủ.

Theo sửa đổi về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung hai Luật Tổ chức đã bỏ quy định về quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vì nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 28 điểm, trong đó có ba nhóm nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp ý kiến như: về phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về số lượng cấp phó của HĐND, UBND; về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.

Theo đó, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, Luật sửa đổi, bổ sung hai Luật Tổ chức quy định: nếu Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí một Phó Chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí hai Phó Chủ tịch HĐND/02 Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách.

Đặc biệt, ngoài điều khoản thi hành có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 để kịp thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Luật sửa đổi, bổ sung hai Luật Tổ chức còn có điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội thông qua 33 sửa đổi, bổ sung của hai Luật tổ chức ảnh 1

Kết quả biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (ẢNH: DUY LINH)