Quảng Ninh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Quảng Ninh tập trung   nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; đẩy mạnh đào tạo nghề, đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) giám sát việc sử dụng vốn vay của một hộ dân. Ảnh: NGUYỄN LƯƠNG
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) giám sát việc sử dụng vốn vay của một hộ dân. Ảnh: NGUYỄN LƯƠNG

Quảng Ninh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, xây dựng phát triển Trường đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía bắc. Mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề đang thiếu như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ; tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, động viên mọi thành phần kinh tế tham gia. Chú trọng đào tạo nghề và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp hài hòa giữa đào tạo, đào tạo lại với thu hút nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô, chất lượng dân số đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và của doanh nghiệp.

Tiếp tục sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền; ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Tỉnh quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện lộ trình hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông; tăng đầu tư hợp lý từ ngân sách cho giáo dục, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, phát triển mạnh mẽ mô hình giáo dục thông minh; ban hành chính sách phù hợp khuyến khích phát triển các mô hình giáo dục chất lượng cao ngoài công lập; thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số trường phổ thông tại các đô thị lớn nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường; đặc biệt chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 90%, trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày đạt tỷ lệ 100%, số sinh viên/vạn dân cao hơn mức trung bình cả nước.

* Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Nông phấn đấu cho 26.925 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương chuyển nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi về NHCSXH để tạo lập nguồn vốn huy động tại chỗ, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thêm cơ hội tiếp cận vốn. NHCSXH thực hiện có hiệu quả quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội theo phương thức ủy thác một số phần việc cho tổ chức hội, đoàn thể, nhằm tăng cường sự giám sát của cơ sở đối với quá trình sản xuất của đối tượng vay vốn.

5 năm qua, toàn tỉnh có gần 68.000 gia đình được vay vốn tín dụng chính sách (tăng 11.800 hộ so năm 2015), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,26% xuống còn 10,52% (khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 40,76% xuống còn 21,15%). Có 3.328 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 62.470 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được sửa chữa, xây mới từ nguồn vốn này; hơn 1.000 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng; gần 30.000 hộ dân ở vùng khó khăn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.