Quảng Ninh hỗ trợ người lao động khi sắp xếp các đơn vị hành chính

Tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành chính sách hỗ trợ với mức cao hơn so với chính sách quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng, người hoạt động không chuyên trách, chịu tác động từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, bản, khu phố.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Hợp tác xã Quang Minh, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: LẬP ĐỨC
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Hợp tác xã Quang Minh, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: LẬP ĐỨC

Theo đó, người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ thấp hơn so với phụ cấp chức vụ đang hưởng, sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử và được hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương 60 tháng chênh lệch giữa mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới tại thời điểm thôi giữ chức vụ lãnh đạo cũ. Người nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc ngay, nếu có đủ thời gian đóng bảo hiểm, sẽ hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi và được hỗ trợ ba tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so quy định về tuổi nghỉ hưu; năm tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH, từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 50% tiền lương tháng. Người nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu (dưới hai năm) được hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương sáu tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, bản, khu phố được hỗ trợ một lần bằng tiền tương đương hai lần mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng tại thời điểm nghỉ công tác.

* Tỉnh Tiền Giang phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) từ 7% đến 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 37.300 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 11.125 tỷ đồng; thành lập mới 650 đến 700 doanh nghiệp. Giải quyết việc làm cho 19.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,4%; thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai đô thị hoàn thành xây dựng nông thôn mới và hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt các mục tiêu này, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, định hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tỉnh tăng cường quản lý có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại các ngành kinh tế đồng thời đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Các cấp, ngành thực hiện các giải pháp huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm động lực phát triển, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chú trọng tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính, khai thác hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính quyền số.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,26%; tổng thu ngân sách 11.260 tỷ đồng, tăng hơn 27% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 34.521 tỷ đồng, tăng 8,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/năm.