Quảng Ninh bảo đảm môi trường du lịch an toàn, chất lượng

* Kiên Giang có nhiều dự án xã hội hóa hiệu quả

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Vân Hải (Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh). Ảnh: THANH BÌNH
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Vân Hải (Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh). Ảnh: THANH BÌNH

Tỉnh Quảng Ninh vừa chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm môi trường du lịch trong giai đoạn cao điểm kích cầu du lịch, tập trung vào các nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn trật tự đô thị, quản lý tốt chất lượng và giá cả dịch vụ..., nhất là ở các địa phương trọng điểm về du lịch như Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô. Đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thành phố Hạ Long chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong, ăn xin tại các địa bàn trọng điểm du lịch; phân luồng giao thông, quản lý các bãi đỗ phương tiện; bố trí, phân khu các loại hình kinh doanh dịch vụ ở khu phố thương mại Công viên Sun World Hạ Long để bảo đảm mỹ quan đô thị, tránh tiếng ồn lớn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đón tiếp, phục vụ khách tại khu vực nhà chờ.

Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các địa phương có trách nhiệm kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là giao thông đường thủy ra các tuyến đảo, hoạt động của các phương tiện trên đảo phục vụ khách du lịch; xử lý nghiêm tình trạng xe hợp đồng trá hình, ta-xi dù, ta-xi không sử dụng đồng hồ tính cước... Các huyện, thị xã, thành phố, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn tại các bãi tắm du lịch, kiểm soát các bãi tắm tự phát. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị bố trí lực lượng trực ban, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, kiểm soát việc bán đúng giá đăng ký và niêm yết; nghiêm cấm mọi hành vi trục lợi, tăng giá, bớt xén dịch vụ, "chặt chém" "cò mồi", xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động kinh doanh theo quy định đối với các cơ sở có vi phạm.

* Giai đoạn 2008 - 2019, tỉnh Kiên Giang khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường, thu hút nhiều dự án đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước. Đến tháng 5-2020, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án xã hội hóa thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, trong đó 32 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động. Một số dự án mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư, đồng thời giải quyết nhu cầu của người dân.

Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 10 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 225 tỷ đồng và diện tích đất được giao hơn 74 nghìn m2, với quy mô 133 lớp học, 3.560 học sinh. Lĩnh vực văn hóa có dự án Bảo tàng tư nhân Cội Nguồn, huyện đảo Phú Quốc, tổng diện tích 1.266 m2, lưu giữ gần 3.900 hiện vật. Phú Quốc cũng đang lập dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc từ nguồn vốn tài trợ của doanh nghiệp. Lĩnh vực y tế có 21 cơ sở xã hội hóa ngoài công lập đang hoạt động gồm: Bệnh viện tư nhân Bình An 250 giường, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc 150 giường và 19 phòng khám đa khoa tư nhân, với tổng kinh phí đầu tư các dự án hơn 1.300 tỷ đồng từ nguồn vốn tư nhân và các cổ đông.

Để giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, tỉnh Kiên Giang đang tháo gỡ khó khăn trong việc quy hoạch các khu đất sử dụng cho mục đích xã hội hóa, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh tạo điều kiện cho nhân viên y tế thuộc các bệnh viện tư nhân và các phòng khám nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế, tập trung vào cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, nhất là chăm sóc người cao tuổi...