DIỄN ĐÀN CHỦ NHẬT

Phim Việt hóa nở rộ - đáng lo

Thời gian gần đây, phim Việt hóa hay còn gọi phim remake - làm lại từ các phim nổi tiếng nước ngoài, có xu hướng bùng phát trở lại, nhận được sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều phim remake lấn át phim thuần Việt cũng đặt ra một số vấn đề cho điện ảnh nước nhà.  

Trên sóng truyền hình, mới đây nhất, là bộ phim dài tập Nhà trọ Balanha được Việt hóa từ tác phẩm Welcome to Waikiki của đài JTBC - Hàn Quốc; thu hút khán giả nhờ sự hài hước, thú vị trong hành trình theo đuổi ước mơ, lập nghiệp của lớp trẻ. Trước đó, đã có không ít tác phẩm Việt hóa kịch bản nước ngoài, như: Mùi ngò gai, Dù gió có thổi, Gia đình là số 1, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán, Hậu duệ mặt trời,… Ở lĩnh vực điện ảnh, dòng phim này cũng góp mặt hàng loạt bộ phim, như: Em là bà nội của anh, Tèo em, Bạn gái tôi là sếp, Tháng năm rực rỡ, Sắc đẹp ngàn cân… Nhìn lại, thấy điện ảnh Việt Nam từng có giai đoạn bùng nổ phim remake nhưng phần lớn thất bại bởi gần như bê nguyên xi bản gốc; trong khi bối cảnh, chi phí đầu tư thấp hơn và dàn diễn viên chưa đủ sức vượt qua cái bóng của “sao” ngoại. Bài học này khiến các nhà làm phim giờ đây phải thay đổi cách làm, Việt hóa kịch bản một cách đúng nghĩa khi biến câu chuyện, tình tiết, văn hóa trong bản gốc thành thuần Việt gần gũi, chân thật, mang hơi thở thời đại; vì thế mà khán giả dễ đồng cảm, xem đó là câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Dàn diễn viên cũng được chọn lựa phù hợp về ngoại hình, khả năng diễn xuất; kinh phí đầu tư tốn kém hơn. Điển hình, là các bộ phim truyền hình Người phán xử gây “sốt” với sự thay đổi 50% so với bản gốc và Gạo nếp gạo tẻ được đánh giá đậm chất Việt. Đại diện Công ty cổ phần DID TV cho biết, để sản xuất Gạo nếp gạo tẻ, công ty đã mất bốn năm, tốn rất nhiều tiền bạc và công sức. Bộ phim dài hơn 100 tập, mỗi tập có kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Phim Người phán xử cũng được đầu tư tương đương. Lĩnh vực màn ảnh rộng có các phim Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ có kinh phí lớn, thực hiện công phu, khi ra rạp đạt doanh thu “khủng”…

Rõ ràng, phim Việt hóa có đất sống là bởi điện ảnh đang quá thiếu kịch bản hay. Theo PGS, TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, kịch bản phim truyện những năm qua không hiếm nhưng thật sự thiếu những tác phẩm chất lượng. Trong khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày càng đa dạng, việc làm lại những bộ phim từng thành công như một hướng đi có triển vọng. Tuy vậy, các nhà làm phim cho rằng, việc remake phim nổi tiếng tưởng dễ nhưng lại là thử thách lớn bởi không dễ ngang bằng hay vượt qua được cái bóng của bản gốc; như các bộ phim Anh em nhà bác sĩ, Người mẫu, Sắc đẹp ngàn cân,… bị đánh giá thua xa. Điển hình gần đây là Hậu duệ mặt trời, một bộ phim truyền hình đình đám của Hàn Quốc năm 2017. Khi phiên bản Việt lên sóng, phim bị người xem đánh giá là nhiều “sạn”.

Phim Việt hóa mang tính trào lưu, nhất thời, dễ khiến người xem nhàm chán, giá trị vay mượn không thể tạo sự bền vững bởi khi yếu tố mới lạ, tâm lý tò mò qua đi, khán giả sẽ tìm về những giá trị văn hóa, con người Việt. Thời gian qua dù có những phim Việt hóa thành công góp phần giúp thị trường điện ảnh thêm khởi sắc, song nếu khi phim remake trở thành dòng phim lấn át phim thuần Việt thì thật đáng buồn. Không chỉ giới chuyên môn mà cả người xem vẫn chờ đợi, hy vọng và cả tin tưởng vào một ngày chúng ta có nhiều biên kịch tài năng để phim Việt hóa phải “nhường sân”; thậm chí còn bán được kịch bản từ phim Việt ra các nước. Gần đây, chất lượng phim truyền hình thuần Việt cũng dần được nâng cao, cho thấy sự sàng lọc khắc nghiệt chính là động cơ khiến các nhà sản xuất phải nỗ lực hơn để làm ra những tác phẩm có giá trị, chỗ đứng trong lòng công chúng.