Những tiếng nói tâm huyết gửi về Đại hội

Phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đảng viên là người trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn nhân dân thực hiện, triển khai các chủ trương chính sách của Đảng. Đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong điều kiện còn nhiều khó khăn thì vai trò của đảng viên càng quan trọng.

Phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nậm Pồ là huyện vùng sâu, xa, biên giới của tỉnh Điện Biên, kinh tế - xã hội, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, thu nhập chưa cao. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như truyền đạo trái phép, di, dịch cư tự do.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Huyện ủy Nậm Pồ đã xây dựng Nghị quyết về “công tác xây dựng Đảng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng trên địa bàn huyện Nậm Pồ, giai đoạn 2016 - 2020”. Sau khi triển khai đến nay, huyện đã kết nạp được hơn 860 đảng viên, xóa được 38/38 bản chưa có đảng viên, 50 bản chưa có chi bộ. Đội ngũ đảng viên đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự…

Từ kinh nghiệm của địa phương, tôi mong muốn Đại hội quan tâm đến công tác phát triển đảng viên tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời bổ sung lực lượng, góp phần đưa nhanh chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với đồng bào.  Xin được gửi đến Đại hội một số kiến nghị về giải pháp, đó là các cấp ủy đảng cần quan tâm chỉ đạo cấp ủy cơ sở tập trung phát triển nguồn tại chỗ để bồi dưỡng, giới thiệu, kết nạp quần chúng vào Ðảng; đồng thời, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đến từng chi, đảng bộ. Đảng ủy các xã phân công các đảng viên phụ trách các bản; tăng cường nắm tình hình tại cơ sở, qua đó kịp thời phát hiện những “hạt nhân” là những quần chúng ưu tú trong lao động sản xuất, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, đường biên mốc giới để theo dõi, bồi dưỡng và giới thiệu cho Đảng…

LÊ KHÁNH HÒA Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Chú trọng nguồn nhân lực nữ

d1801ntn2-1611002217117.jpg

Trong định hướng phát triển nguồn nhân lực nói chung, công tác phát triển nguồn nhân lực nữ được Đảng ta quan tâm. Yêu cầu đặt ra là nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ… Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn. Với các cơ chế, chính sách phù hợp, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được cải thiện, trong đó lao động nữ với quy mô tương đối lớn, cơ cấu đa dạng, có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, một số ngành lao động nữ chiếm số đông. Nhiệm kỳ 2016-2020, đội ngũ cán bộ nữ có bước trưởng thành; nói chung tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp cũng cao hơn so với nhiệm kỳ trước đó. Tuy nhiên, có thể thấy tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ, số lượng cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương cũng còn ít.

Trong nhiệm kỳ mới, mong rằng công tác phát triển nguồn nhân lực nữ được quan tâm hơn nữa, xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng của phụ nữ Việt Nam. Cần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội và mỗi gia đình về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí cán bộ nữ cần được quan tâm thực chất hơn; có quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ. Nên có quy định mang tính đặc thù dành riêng cho phụ nữ hoặc nguồn nhân lực nữ nhằm khắc phục những khó khăn, rào cản ảnh hưởng tới sự phát triển của nữ giới; quan tâm hỗ trợ nhóm phụ nữ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc tập hợp, cổ vũ phụ nữ phát triển bản thân, đồng thời thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

NGUYỄN THỊ HỒNG Trưởng phòng Tuyên giáo - Truyền thông, Tạp chí Hỗ trợ phát triển

Quan tâm cơ chế, chính sách phát triển giáo dục đại học

d1801ntn3-1611002217311.jpg

Tôi mong muốn vấn đề giáo dục đại học sẽ được Đại hội XIII của Đảng quan tâm, đưa ra định hướng phát triển mới trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 và những năm tiếp theo.

Giáo dục đại học ở nước ta có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại công nghiệp 4.0. Nhà nước đã ban hành pháp luật và các chính sách phát triển giáo dục đại học, tăng sự chủ động cho các cơ sở giáo dục - đào tạo.  Nhiều người mong muốn mỗi trường đại học sẽ là một trung tâm văn hóa - giáo dục của vùng. Ước mơ xa hơn là giáo dục nước ta đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài theo học, đóng góp nguồn thu cho đất nước. Để thực hiện ước mơ đó, cần có lộ trình thấu đáo, căn cơ trong đổi mới đồng bộ đào tạo - sử dụng nguồn nhân lực. Theo tôi nghĩ, các cơ quan quản lý cần tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư, công tác quản lý trường đại học trong giai đoạn mới. Cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất phòng thí nghiệm cho các trường trọng điểm ở khu vực cũng như tăng định mức lương hỗ trợ trong giảng dạy. Cần tăng cường dự báo và công khai số liệu dự báo việc làm đối với người lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Việc sử dụng sinh viên tốt nghiệp đại học có tác động mạnh đến công tác đào tạo, lựa chọn nghề nghiệp và tìm việc của sinh viên. Cơ hội trở thành công chức nhà nước ngày càng hẹp lại đối với sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, thu nhập giữa người có trình độ đại học và lao động phổ thông không chênh lệnh nhiều. Điều đó khiến cho nhiều bạn trẻ quyết định không học đại học; hoặc học xong đại học nhưng phải chấp nhận làm trái ngành nghề được đào tạo… Để tháo gỡ những khó khăn này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ khâu đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng lao động. Tôi mong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa ra định hướng chỉ đạo mới để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

LÊ CẢNH ĐỊNH Giảng viên Trường đại học Quy Nhơn