Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn 2045

NDO -

NDĐT - Ngày 23-5, tại TP Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị chủ trì Hội thảo phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn 2045

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2005-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP Cần Thơ đạt hơn 7,2%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 88 triệu đồng, tăng bẩy lần so với 2005. Văn hóa - xã hội đạt được nhiểu tiến bộ, Cần Thơ từng bước trở thành trung tâm một số lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; công tác xây dựng đảng, chính quyền đạt nhiều tiến bộ, an ninh quốc phòng giữ vững…

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP Cần Thơ còn nhiều hạn chế như: Nguồn lực đầu tư thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế đã trở thành điểm nghẽn trong liên kết phát triển vùng; sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại… Vì vậy, TP Cần Thơ chưa thật sự trở thành hạt nhân, trung tâm, là động lực phát triển, có sức lan tỏa cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Nghị quyết 45 đề ra.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Nghị quyết 45 đưa ra rất nhiều mục tiêu, TP Cần Thơ đã cơ bản đạt được nhưng có một mục tiêu quan trọng là năm 2020 Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp thì mục tiêu này không đạt được. Vì thế, đồng chí yêu cầu Ban chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 45, lãnh đạo TP Cần Thơ cần định vị lại vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, sự tác động mạnh mẽ, nhanh chóng của biến đổi khí hậu gắn với thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; các cơ chế chính sách đặc thù có đủ mạnh, phù hợp để Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong tương lai; làm rõ cơ chế liên kết vùng, liên kết giữa Cần Thơ với vùng và vùng ĐBSCL với các vùng khác trong cả nước; đánh giá đúng thực trạng, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển…

Đồng chí đề nghị Ban chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện đề án tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới đáp ứng yêu cầu phát triển TP Cần Thơ trong thời gian tới.