Phát huy truyền thống “Xích vệ đỏ” tạo đột phá để phát triển

NDO -

Phát huy truyền thống “Dương Xuân bất khuất, Yên Phúc kiên cường”, “Xích vệ đỏ” với tinh thần “ Đổi mới, sáng tạo, dân chủ, đoàn kết, phát triển” cùng với ba đột phá, Đảng bộ và nhân dân huyện Anh Sơn quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, khẳng định vị thế nằm trong tốp đầu các huyện miền núi Nghệ An.

Kiểm tra phát triển cây chè.
Kiểm tra phát triển cây chè.

Phát huy truyền thống “Xích vệ đỏ”

Với nhiều thử thách của một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, huyện Anh Sơn bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2015-2020 bằng việc xác định rõ hướng đi, vận dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng thế mạnh, phát huy tốt sức mạnh của hệ thống chính trị và người dân.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần “Xích vệ đỏ” năm xưa, cùng với sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện Anh Sơn đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng trong công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn đạt 10,7%, hơn kế hoạch 10-11%. Nông nghiệp tiếp tục có những bước phát triển mới theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích; bước đầu xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tốc độ tăng trưởng bình quân nông nghiệp ước đạt 3%/năm; thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 78 triệu đồng/ha...

Công nghiệp, xây dựng tiếp tục phát triển. Các nhà máy trên địa bàn cơ bản hoạt động ổn định, một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư mở rộng quy mô, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, một số dự án đã, đang triển khai đầu tư sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội cho các năm tiếp theo như: Nhà máy chế biến chè của Công ty cổ phần  mía đường Sông Lam, Dự án sản xuất gỗ ván sợi MDF tại Khu công nghiệp Khai Sơn, dây chuyền công nghệ mới chế biến đường gluco của Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn… Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển ngày càng đa dạng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 13%/năm. Kinh tế tập thể, hợp tác xã, cá thể phát triển; hoạt động du lịch được quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác quảng bá; từng bước hình thành các điểm đến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

Phát huy truyền thống “Xích vệ đỏ” tạo đột phá để phát triển -0
 Thăm quan dây chuyền chế biến đường Gluco ở Công ty CP Á Châu - Hoa Sơn.

Huyện Anh Sơn đã huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế,  xã hội. Nhiều dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được triển khai. Trong nhiệm kỳ có 24 dự án được đề xuất đầu tư vào địa bàn với tổng mức đầu tư 3.687 tỷ đồng. Đã đầu tư hoàn thành 67 công trình giao thông; 46 công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương; 23 công trình văn hóa, thể thao; 82 công trình trường học; 11 trụ sở các cơ quan đơn vị; 10 công trình xử lý rác thải và một số công trình khác... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6.454 tỷ đồng, vượt 34,5% mục tiêu Nghị quyết đại hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Dự kiến đến hết năm 2020, Anh Sơn sẽ có 14 xã, 30 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội và cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh; số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 17,5 tiêu chí/xã, tăng bảy tiêu chí so với đầu nhiệm kỳ; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành của các cơ quan, đơn vị. Cải cách tài chính công từng bước được hoàn thiện, thực hiện khoán kinh phí và biên chế theo cơ chế tự chủ.

Công tác giáo dục được chú trọng; có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh; học sinh giỏi luôn đạt tốp đầu của tỉnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh, đơn vị văn hóa phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển nhanh, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế được nâng cấp khá đồng bộ. Y tế dự phòng được bảo đảm, các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả. Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai khá đồng bộ, chất lượng dân số được nâng lên.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên được nâng lên. Tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ; tập trung xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; lấy sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo cho kết quả điều hành của chính quyền.

Tạo bước đột phá

Đảng bộ huyện Anh Sơn đề ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 12,7%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đạt hơn 75,05%, nông nghiệp dưới 24,95%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 71 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025, có hơn 18 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 90% số xã đạt chuẩn), sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 30% số xã)…

Để đạt được các mục tiêu trên, Đảng bộ huyện Anh Sơn quyết tâm khơi dậy ý chí, khát vọng, lòng tự tôn, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực đóng góp trí tuệ, sức lực vào sự phát triển của quê hương.  

Đặc biệt tạo ba đột phá. Đó là:  Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đổi mới tư tuy sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực; quan tâm chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ doanh nhân, trí thức, người lao động đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu hội nhập. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công - viên chức. Khuyến khích cán bộ, công - viên chức không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn như: Tuyến đường Đỉnh Sơn - Bình Sơn; đường Thành Sơn - Thọ Sơn; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để phát triển sản xuất các vùng nguyên liệu... Huy động các nguồn lực để triển khai một số dự án trọng điểm như: Cầu cứng thị trấn - Đức Sơn; cầu Lĩnh Sơn - Tào Sơn, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang quốc tế Việt - Lào; bãi xử lý rác thải thị trấn Anh Sơn và vùng phụ cận...

Cùng các giải pháp đột phá, huyện Anh Sơn tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết giá trị, bảo đảm đồng bộ từ tổ chức sản xuất đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Xây dựng mô hình “mỗi xã có một sản phẩm” OCOP. Phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục thu hút các dự án phù hợp vào khu công nghiệp Tri Lễ ở xã Khai Sơn, cụm công nghiệp Đỉnh Sơn và các vị trí khác phù hợp với đề xuất của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hạ tầng thương mại dịch vụ, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư hoàn thành các dự án đầu tư chợ, trung tâm thương mại...

Phát huy truyền thống “Xích vệ đỏ” tạo đột phá để phát triển -0
 Tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Anh Sơn.

Xác định đúng tiềm năng lợi thế từng vùng để định hướng phát triển đúng ngành, cây, con và áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả. Cụ thể: Định hướng phát triển thị trấn Anh Sơn gắn với các vùng phụ cận (Thạch Sơn, Hội Sơn, Hoa Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn) phát triển  công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nâng cấp công nghệ nhà máy may xuất khẩu; nâng công suất dây chuyền chế biến tinh bột sắn,chế biến mủ cao-su; xây dựng các nhà máy chế biến chè; xây dựng các chợ, trung tâm thương mại, các  nhà hàng, khách sạn và siêu thị. Vùng Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn: Nâng công suất nhà máy sản xuất đường Sông Lam; đưa nhà máy chè tại Đỉnh Sơn và chè Bãi Phủ vào hoạt động; nâng cấp nhà máy sản xuất gạch tuynel; xây dựng chợ Cây Chanh; khu đô thị Cây Chanh cùng trung tâm thương mại, siêu thị. Phấn đấu xây dựng Đỉnh Sơn thành đô thị loại V vào năm 2025. Vùng Khai Sơn tập trung thu hút đầu tư các dự án phù hợp vào khu công nghiệp Tri Lễ. Xây dựng chợ kết hợp trung tâm thương mại và siêu thị. Đẩy nhanh tiến độ triển khai nhà máy sản xuất gỗ MDF, nhà máy sản xuất than củi sạch…

Cùng với đó, xây dựng các vùng nguyên liêu phục vụ các nhà máy chế biến thực phẩm, như ổn định 1.500 -1.600 ha mía; 900-1.000 ha sắn; 2.700 ha chè; 1.800 ha cao-su; đồng thời, diện tích trồng lúa ổn định 5.500 - 5.800 ha, diện tích ngô 6.100-6.300 ha; phát triển đàn trâu bò khoảng 43 nghìn con; 100 nghìn con lợn. Phấn đấu hằng năm trồng 1.200 ha rừng tập trung; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hằng năm đạt 70.000 m3…

Phát huy truyền thống “Dương Xuân bất khuất, Yên Phúc kiên cường”, với tinh thần: “ Đổi mới, sáng tạo, dân chủ, đoàn kết, phát triển”, Đảng bộ và nhân dân Anh Sơn quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI đề ra, quyết tâm khẳng định vị thế huyện Anh Sơn trong tốp đầu các huyện miền núi Nghệ An.