Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp Hội Cựu chiến binh(CCB) trong cả nước luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả và xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện công tác xã hội, bảo vệ nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tham quan mô hình trồng cam Xã Đoài cho thu nhập cao ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc.
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tham quan mô hình trồng cam Xã Đoài cho thu nhập cao ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc.

Hỗ trợ, giúp hội viên phát triển kinh tế

Thời gian qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” trên cả nước luôn gắn với phong trào “Dân vận khéo”, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên và quần chúng hướng mạnh vào mục tiêu hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Út cho biết, nhiều năm liền Hội CCB tỉnh luôn coi trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Qua 5 năm, các cấp Hội toàn tỉnh đã vận động được nguồn vốn hơn 700 tỷ đồng giúp gần 36 nghìn lượt hội viên phát triển kinh tế, nhờ đó 901 hộ CCB đã thoát nghèo. Hội CCB các cấp còn vận động các tổ chức đóng góp xây dựng nhà cho hội viên, xóa được 1.432 căn nhà tạm. Đáng chú ý, trong năm 2018, Hội CCB các cấp xây được 113 nhà “Nghĩa tình đồng đội”, Hội CCB tỉnh giới thiệu việc làm cho 10 nghìn con em hội viên đi lao động, làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Tỉnh Nghệ An có gần 7.000 điển hình xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”. Đến nay, CCB toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng quỹ nội bộ với số tiền hơn 89 tỷ đồng, từ đó đã cho hơn 11 nghìn gia đình hội viên vay phát triển kinh tế. Các cấp Hội đã giải quyết việc làm cho hơn 45 nghìn lao động là con em CCB. Hội CCB toàn tỉnh hiện có 553 doanh nghiệp, 114 hợp tác xã, 83 tổ hợp tác và 1.415 trang trại, 5.173 gia trại, thu hút gần 30 nghìn lao động.

Hội CCB Nam Định, với phong trào phát triển kinh tế, hiện nay có 280 doanh nghiệp, 105 hợp tác xã, 47 trang trại và 1.750 gia trại do cán bộ, hội viên làm chủ, hầu hết hoạt động hiệu quả. Các mô hình kinh tế của CCB tỉnh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định bình quân từ 3,5 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/người/tháng cho gần 15.600 lao động.

Hội CCB cả nước tổ chức tốt hoạt động xã hội hóa để xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hội viên. Tổ chức tốt các cuộc tuyên truyền, vận động các nhà tài trợ, doanh nhân, doanh nghiệp của CCB, hội viên có kinh tế khá góp sức xóa nghèo cho hội viên. 5 năm qua, trung bình hằng năm CCB cả nước xóa được 5.734 nhà, tính cả số nhà dột nát phát sinh do thiên tai, tách hộ. Hiện tại, toàn Hội còn 12.712 nhà dột nát, nhà tạm. Riêng năm 2018 toàn Hội đưa ra khỏi diện nghèo được hơn 23.638 hộ CCB nghèo, số hộ nghèo còn lại là hơn 93 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,26%...

Gương mẫu, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Một hoạt động nổi bật của Hội CCB các địa phương là đã chủ động, tích cực thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Theo đó các cấp Hội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai các nội dung của cuộc vận động. Hội CCB các địa phương đi vào lựa chọn nội dung trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới để hội viên gương mẫu thực hiện, vận động nhân dân tham gia.

Năm 2018, các hội viên CCB cả nước đã hiến 870 nghìn m2 đất, quyên góp hơn 37 tỷ đồng và tham gia 175 nghìn ngày công lao động để làm mới, sửa chữa, nâng cấp 815 km đường giao thông nông thôn; tham gia sửa chữa, xây dựng, nạo vét hơn 765 km kênh mương nội đồng, 78 cầu, cống; trồng khoanh nuôi, bảo vệ hàng chục nghìn héc-ta rừng.

Hội CCB các cấp cũng tích cực vận động tham gia quyên góp tiền, ủng hộ ngày công để làm mới, nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu, cống..., những năm qua, các cấp Hội CCB đã quyên góp gần 37 tỷ đồng, đóng góp 225 nghìn ngày công. Tại Thanh Hóa, hơn 1.000 hộ CCB đã gương mẫu hiến hơn 80 nghìn m2 đất làm các công trình công cộng với số tiền hơn 17 tỷ đồng; vận động xây mới 500 cây cầu với số tiền hơn 100 tỷ đồng và đóng góp gần 20 nghìn ngày công lao động. Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới” của tỉnh Nam Định phát triển sâu rộng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 21.803 gia đình hội viên CCB hiến 856.977 m2 đất, tham gia 366.102 ngày công; đóng góp 93,5 tỷ đồng để xây dựng các công trình nông thôn mới.

Nhiều mô hình hay đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả như: “Tổ tự quản”, “Đội cứu nạn an toàn giao thông”, “Đoạn đường Cựu chiến binh tự quản”, “Khu phố an toàn giao thông”, “Đoạn đường an toàn văn minh, xanh sạch đẹp”, “Đoạn đường 3 thế hệ”, “Đường quê an toàn”. “Đội tình nguyện tham gia phân luồng giao thông”...

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Song Phi nhìn nhận, CCB cả nước kế thừa, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ đã và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, sát với điều kiện thực tế ở từng địa phương, tạo chuyển biến tích cực về tư duy và hành động của cán bộ, hội viên. Theo đó, các CCB gương mẫu chấp hành và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; chủ động phối hợp đoàn thanh niên giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức cảnh giác cho thế hệ trẻ, không để kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng; tham gia giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm ở cơ sở…