Ðoàn kết, bài học quý trong mọi thời đại

Trong Di chúc để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Ðảng, toàn dân, khi nói về Ðảng với hơn 200 chữ, Bác Hồ đã dành gần 150 chữ nói về đoàn kết. Theo Người, nhờ đoàn kết mà Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, cần giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Ðảng. Tư tưởng ấy ngày càng sáng tỏ và là bài học quý trong mọi thời đại.

Có đoàn kết thì thịnh và còn

Trong hầu hết các bài viết, những lần nói chuyện, Bác Hồ luôn nhắc đến đoàn kết; đoàn kết trong Ðảng, đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Tư tưởng về đoàn kết của Người bắt nguồn từ cuộc sống, tâm hồn con người Việt Nam, cốt cách dân tộc Việt Nam, luôn yêu thương, đùm bọc nhau để vượt qua muôn trùng sóng gió, như: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao",... Trong mỗi chặng đường đấu tranh và đi lên của cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết ngày càng được phát triển và hoàn thiện hơn. Ðất nước càng khó khăn bao nhiêu, càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết bấy nhiêu. "Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn". Trong Thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14-10-1945, Người khẳng định như vậy và kêu gọi: "Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà". Ðây là những lúc chính quyền cách mạng còn non trẻ, đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách như ngàn cân treo sợi tóc. Tiếp đó, tháng 6-1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi: "Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay... Ðối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang". Ðoàn kết không chỉ là chung sức đồng lòng làm việc chung, việc lớn mà còn phải "khoan hồng, đại độ" với người lạc lối để cảm hóa, giúp họ đồng hành cùng dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn. Với tầm cao trí tuệ, với lòng vị tha, bao dung, nhân ái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra chân lý ấy.

Thực tiễn đất nước từ khi có Ðảng đã minh chứng những điều Bác Hồ căn dặn. Một dân tộc bị áp bức, nghèo nàn và lạc hậu như Việt Nam nhưng đã chiến thắng thực dân, đế quốc là nhờ cả dân tộc triệu người như một. Chúng ta lại đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mở rộng đoàn kết quốc tế, thoát khỏi âm mưu bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước cũng là do có tinh thần đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Ðảng. Không phải ngẫu nhiên trong Ðại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2, ngày 25-4-1961, Bác Hồ nhắc lại câu nói tại Ðại hội hợp nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công". Thông điệp ấy khẳng định mạnh mẽ một lần nữa, đoàn kết là lực lượng vô địch đã giúp chúng ta kháng chiến thắng lợi và sẽ là sức mạnh to lớn để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Ðó cũng là yêu cầu trước mỗi chặng đường mới của cách mạng, là một chân lý không bao giờ thay đổi.

Giữ gìn đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là một chính sách dân tộc và trước hết, quan trọng hơn bao giờ hết là đoàn kết trong Ðảng. Trong Ðảng có đoàn kết thống nhất mới tạo nên sức mạnh cho cả hệ thống chính trị, mới xây dựng được đoàn kết toàn dân tộc, mới được nhân dân tin tưởng, ủng hộ để xây dựng đất nước. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của đoàn kết, quy tụ những người Việt Nam yêu nước, tạo nên sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân tộc, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và đói nghèo. Chân lý mà Người đưa ra về đại đoàn kết dân tộc là triết lý nhân sinh, là đường lối cách mạng hàng đầu của Ðảng và dân tộc ta.

Những lời căn dặn của Người và thực tiễn lịch sử cho thấy, đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc có giá trị tinh thần to lớn, là động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những điều kiện mới, để phát huy truyền thống quý báu ấy, để nhân lên giá trị tinh thần to lớn ấy là việc không dễ. Vì thế, trước khi về với tổ tiên, trong những lời căn dặn cuối cùng về Ðảng, Người nhắc nhở: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đó là nhờ chúng ta biết phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Song, "sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ;… Chủ trương, quan điểm của Ðảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa kịp thời được thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc" (phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam 18-11-2020). Những vấn đề về đoàn kết mà Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII chỉ ra chưa được khắc phục, như: mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền,... Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty,...

Ðể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, trước hết cần khắc phục cho được những hạn chế nêu trên. Ðó mới thật sự là tình cảm cao quý, là sự tri ân, biết ơn công lao trời biển của Người và cũng là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn mới, khi toàn Ðảng, toàn dân đang ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, khi đất nước đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Ðã đoàn kết nhất trí thì càng phải đoàn kết nhất trí hơn nữa. Muốn thế, phải thống nhất về tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng của cách mạng. Xa rời các nguyên tắc hoạt động của Ðảng, không đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì không thể có đoàn kết thống nhất mà nguy cơ dẫn đến chia rẽ, bè phái, làm giảm uy tín và sức chiến đấu của Ðảng. Muốn đoàn kết cần phát huy dân chủ một cách thật sự; trước những vấn đề mới, nhiệm vụ lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau càng phải dân chủ thảo luận để đi đến thống nhất, đặc biệt là trong công tác cán bộ, trong thực hiện chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi kinh tế, chính trị của mỗi người. Ðồng thời, có tự phê bình và phê bình một cách đúng đắn trên tinh thần thương yêu đồng chí, giúp nhau cùng tiến bộ, đấu tranh phê phán mạnh mẽ quan điểm, việc làm sai trái để đồng chí, đồng đội xích lại gần nhau hơn, mới có đoàn kết thật sự. Ðó là chìa khóa để mọi người đồng hành trong thực hiện nhiệm vụ được giao và giúp nhau trong cuộc sống, để đi đến mọi thành công.