Những người lính biên phòng nơi biên giới Đông Bắc

NDO -

NDĐT - Mặc dù thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn núi cao, rừng sâu nơi biên giới, việc ăn ở, sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, song thời gian qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các chốt biên phòng, thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh, vẫn kiên cường bám trụ, phối hợp các lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát, thật sự là “lá chắn thép” phòng, chống dịch (PCD) trên tuyến biên giới Đông Bắc của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh), thắp đèn trên chốt gác ở cột mốc 1337, thuộc thôn Hang Vây, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh), thắp đèn trên chốt gác ở cột mốc 1337, thuộc thôn Hang Vây, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà.

Xếp bút nghiên lên miền biên ải

Ngược miền biên viễn vùng Đông Bắc, chúng tôi lên chốt gác ở mốc 1348 (2), thuộc thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh), nằm ngay sát con sông biên giới Việt Nam – Trung Quốc, do Đồn Biên phòng Pò Hèn phụ trách, quản lý. Trời về chiều, từng đợt gió kèm theo mưa phùn, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh giá của vùng biên ải. Gặp học viên Cao Duy Đức, sinh năm 1995, là sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản lý biên giới của Học viện Biên phòng, đang chăm chú quan sát dọc phía bờ sông biên giới giữa hai nước. Thấy chúng tôi, Đức hồ hởi khoe: Sau gần một tháng lên biên giới, đến nay tôi đã quen dần với nhiệm vụ và điều kiện thời tiết ở đây. Ngày đầu lên làm nhiệm vụ, trời mưa nhiều, muỗi đốt sưng cả chân. Tuy vất vả, nhưng được trải nghiệm nơi biên giới đã giúp tôi có thêm kiến thức quý và hiểu biết thực tế để trang bị cho hành trình trong tương lai của mình.

Tạm xếp bút nghiên nhận lệnh lên đường về Quảng Ninh tham gia PCD, Đức cũng như các học viên của Học viện Biên phòng đã tích cực tham gia cùng đồng đội PCD trên tuyến biên giới đường bộ. Nhiệm vụ chính của các học viên là, tham gia cùng cán bộ đơn vị tuần tra, chốt chặn 24 giờ trong ngày để ngăn không cho các cư dân xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa cấm trên tuyến biên giới, đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền cho người dân hiểu về tình hình dịch Covid-19. Khi có người lao động về nước, các tổ, đội công tác khẩn trương thông báo, phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng đưa đến khu vực cách ly y tế để tổ chức theo dõi, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân và địa bàn biên giới. Mặc dù điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, đường sá đi lại vất vả, ăn lán, ngủ rừng, khí hậu khắc nghiệt, hầu hết các học viên lần đầu được trải nghiệm thực tế, nhưng tất cả đều chấp hành nghiêm mọi quy định, điều lệnh nhà binh, trong đó có việc sắp xếp nội vụ gọn gàng như khi ở trường.

Những người lính biên phòng nơi biên giới Đông Bắc ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh kiểm soát người và phương tiện trên tuyến đường vành đai biên giới, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà.

Trung tá Phạm Văn Thể, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, chia sẻ: Các học viên trẻ được tăng cường về đơn vị ý thức kỷ luật đều rất tốt, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị rất yên tâm giao nhiệm vụ. Ngày mới về đơn vị, anh em học viên chưa quen địa bàn, đơn vị cử sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp theo sát kèm cặp trong công tác tuần tra, kiểm soát tại các lán, chốt. Qua đó, giúp các học viên nhanh chóng làm quen với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có mặt tại chốt gác ở cột mốc 1337, thuộc thôn Hang Vây, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà khi trời đã sẩm tối, đúng lúc cán bộ, chiến sĩ trực tại chốt đang thắp đèn và chuẩn bị bữa cơm tối. Trò chuyện với người lính trẻ đang thắp đèn trong lán chốt, tôi được biết, đó là Tô Huyền Đăng, quê ở tỉnh Lâm Đồng, đang là học viên chuyên ngành Quản lý biên giới của Học viện Biên phòng, là một trong số 60 học viên được tăng cường về tỉnh Quảng Ninh làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu làm nhiệm vụ canh gác đêm trên đỉnh cao biên giới heo hút, không có điện, không có nước, sóng điện thoại chập chờn, Đăng cho biết: “Ở trên này không khí ẩm ướt và “đặc sản” là mưa nhiều; ba hôm rồi tôi chưa giặt được quần áo, vì không có nước. Hơn thế, ở đây nằm cách xa khu dân cư, hằng ngày có ít người qua lại, cho nên những đêm đầu trực gác, tôi khá run. Nhưng vài hôm sau đó, tôi quen dần, tự tin để phấn đấu cùng các cán bộ, chiến sĩ của Đồn hoàn thành tốt nhiệm vụ PCD.

Đồn Biên phòng Quảng Đức (huyện Hải Hà), được giao nhiệm vụ quản lý hơn 17 km đường biên giới giáp Trung Quốc. Trên tuyến biên giới, đơn vị quản lý còn có nhiều đường mòn, lối mở. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị đã phối hợp các lực lượng chức năng liên quan thành lập 10 chốt cố định và dựng lều, bạt dã chiến; đồng thời tổ chức tuần tra 24/24 giờ trong ngày ở khu vực biên giới để ngăn chặn không cho người dân xuất, nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Thiếu tá Hoàng Đức Tình, nhân viên kiểm soát, Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Đồn Biên phòng Quảng Đức cho biết: “Từ Tết đến nay tôi chưa về thăm gia đình, vẫn biết vợ con sẽ nhớ mong, lo lắng; nhưng vì nhiệm vụ, xác định “chống dịch như chống giặc”, không chỉ riêng tôi mà tất cả đồng đội trong đơn vị đều vất vả. Mặc dù nhớ nhà, nhưng tôi cũng chỉ biết động viên vợ con thông cảm, chia sẻ và cùng anh em trong đơn vị khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Chúng tôi tiếp tục hành trình lên điểm chốt biên giới tại cột mốc 1330, thuộc xã Quảng Sơn, (huyện Hải Hà), nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, cho nên thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt. Mưa to, gió lớn kết hợp khí hậu rét buốt, cuộc sống, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ tại chốt gặp nhiều khó khăn. Tại điểm chốt, ba cán bộ, chiến sĩ thay nhau ứng trực, tuần tra khu vực biên giới suốt 24 giờ trong ngày, kiểm soát chặt chẽ không để người dân qua lại biên giới trái phép, đặc biệt là trong thời gian PCD Covid-19. Uống ngụm trà nóng, Đại úy Nguyễn Trung Tuyến, Đồn Biên phòng Quảng Đức chia sẻ: “Ở đây, mỗi tổ trực ba ngày liên tục, sau đó mới có người từ Đồn lên thay. Do chốt ở xa trung tâm, không có điện, nước, sóng điện thoại, anh em chúng tôi phải đợi hết ba ngày mới về Đồn để tắm giặt. Khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị động viên nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã thành lập sáu chốt chặn tại các đường mòn, lối mở và luôn có từ hai đến bốn cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng trực. Khu vực mốc 1302, thuộc thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu là chốt xa xôi và khó khăn nhất. Tại đây, hệ thống rào chắn trên đường biên giới chưa hoàn thiện, vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng người vượt biên trái phép. Xác định, ngoài nguy cơ lây lan dịch bệnh, vấn đề thời tiết khắc nghiệt ở khu vực mốc 1302 cũng là một bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm căng mình chốt chặn tại đây. Chốt kiểm soát của Đồn nằm giữa quả đồi trơ trọc, bốn hướng gió thổi thốc vào, có đêm nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, sương mù dày đặc, đứng cách nhau chừng 1m không nhìn rõ mặt người. Ở đây không có điện, không có nước, cán bộ, chiến sĩ phải thay nhau xuống nhà dân cách gần 10 km để sinh hoạt. Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn động viên nhau cố gắng vượt qua để bảo vệ biên giới, PCD, ngăn chặn và xử lý người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Những người lính biên phòng nơi biên giới Đông Bắc ảnh 2

Học viên Danh Thành Tài (Học Viện Biên phòng) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Hoành Mô tại chốt kiểm soát ngăn chặn dịch Covid-19, xã Hoành Mô.

Trung sĩ Danh Thành Tài, quê ở tỉnh Kiên Giang tâm sự, lần đầu được trải nghiệm khí hậu khắc nghiệt ở ngoài bắc, mấy hôm lên chốt làm nhiệm vụ, khi đêm xuống, nhiệt độ xuống thấp, cái rét thấm vào da thịt, anh cùng đồng đội phải đốt lửa để xua đi giá lạnh của vùng biên ải. Được trải nghiệm thực tế, tôi mới thấu hiểu những vất vả và sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây.

Khó có thể kể hết những khó khăn, gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đang phải đối mặt. Bởi, bên cạnh việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, các anh còn căng mình đối phó, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đại tá Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh cho biết, để kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới hơn 100 km, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã tăng cường 175 cán bộ, chiến sĩ ở cơ quan Bộ Chỉ huy và các đơn vị phía sau cho các đồn biên phòng tuyến biên giới đất liền và cửa khẩu; thành lập 10 chốt dã chiến cả cố định và cơ động trên tuyến biên giới Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, đây là những địa bàn trọng điểm có cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới. Đồng thời, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nắm rõ diễn biến, mức độ lây nhiễm và sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Những người lính biên phòng nơi biên giới Đông Bắc ảnh 3

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã và đang là “lá chắn thép” trong PCD Covid-19. Những hình ảnh đẹp về sự sẻ chia, căng mình trong giá rét của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên giới, đến hình ảnh bếp lửa sưởi ấm cùng những gói mì tôm lót dạ những đêm đông trực gác là minh chứng cụ thể về nỗ lực vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đang ngày đêm gìn giữ biên cương, ngăn chặn dịch bệnh. Và các anh-những người lính Biên phòng coi "đồn là nhà, biên giới là quê hương", luôn vững vàng nơi cửa ngõ biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.