Những báu vật trong tù

NDO -

NDĐT – Có những đồ vật hết sức bình thường, nhưng cũng có những đồ vật được tạo ra hoặc gìn giữ bằng những cách thức hết sức phi thường, nhưng sau này đều trở thành những báu vật đối với các tù nhân chính trị Côn Đảo, Phú Quốc, Đồng Nai, Hỏa Lò, Sơn La… Nhiều câu chuyện cảm động đã được kể lại chung quanh những báu vật đấy, từ những trưng bày đặc biệt của Ban quản lý Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Thế Nghĩa, cựu tù chính trị Nhà tù Phú Quốc, người đã dùng máu của mình vẽ nên lá cờ Đảng và chân dung Bác Hồ.
Đồng chí Nguyễn Thế Nghĩa, cựu tù chính trị Nhà tù Phú Quốc, người đã dùng máu của mình vẽ nên lá cờ Đảng và chân dung Bác Hồ.

Chiếc khăn ném lại sau xe tù

Tại trưng bày “Thép nơi ngục lửa” hồi tháng 7-2017, nhiều người chú ý đến một phụ nữ mảnh mai, tóc bạc trắng, đứng rất lâu và đôi lúc đưa khăn lên chấm mắt trước phần tư liệu về liệt sĩ Phạm Hướng (cựu tù Hỏa Lò, Côn Đảo). Đó là bà Bùi Thị Kỳ, em dâu của liệt sĩ. Những cựu tù khác đã đến vây quanh hỏi han bà, những cái nắm tay chân thành, những cử chỉ chia sẻ đã giúp bà bình tâm lại để kể câu chuyện về người anh hùng trong gia đình mình.

Những báu vật trong tù ảnh 1

Liệt sĩ Phạm Hướng (giữa), năm 1949. Ảnh tư liệu của BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Là một học sinh Hà Nội, từ lúc đi học, đồng chí Phạm Hướng đã tham gia rất tích cực vào phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Hà Nội những năm 40. Năm 1949, đồng chí bị bắt khi đang vận động một nhóm lính Tây rời bỏ hàng ngũ địch theo Cách mạng. Đồng chí bị tạm giam tại nhà tù Hỏa Lò, sau đó bị kết án khổ sai chung thân và đày ra nhà tù Côn Đảo. Những ngày bị giam tại Hỏa Lò, gia đình giấu không cho mẹ của đồng chí Phạm Hướng biết. Nhưng sau khi biết đồng chí bị kết án khổ sai và đày ra Côn Đảo, mọi người trong nhà đã đưa cụ tìm cách gặp đồng chí sau khi phiên tòa kết thúc. Khi đó, đồng chí Phạm Hướng bị áp giải ra xe, cũng không biết là có mẹ mình ở phía đám đông, mà chỉ nhìn thoáng thấy em dâu, là bà Bùi Thị Kỳ và mấy người chị. Đồng chí đã ném lại chiếc khăn mùi xoa của mình cho bà Kỳ. Chiếc khăn màu trắng, được khâu tay viền chung quanh, ở giữa thêu bí danh trong tù, số tù sau khi thành án, ngày bị bắt và ngày chuyển tù.

Đó cũng là lần cuối cùng đồng chí Phạm Hướng và gia đình có cơ hội nhìn thấy nhau. Một năm sau khi bị đày đi Côn Đảo, đồng chí đã hy sinh khi đang tổ chức vượt ngục, ở tuổi 29 xuân xanh.

Chiếc khăn đã được gia đình đồng chí Phạm Hướng trao tặng lại cho Khu di tích Nhà tù Hảo Lò vào năm 2016.

Lá cờ trong bụng và chân dung Bác vẽ bằng máu

Những gì mà trưng bày “Thắp lửa niềm tin” do Ban quản lý Khu di tích Nhà tù Hảo Lò thực hiện giữa tháng 1-2020 chưa thể nào lột tả hết được sự khốc liệt cũng như ý chí sắt đá mà các cựu tù Phú Quốc đã làm trong tù để một lễ kết nạp Đảng năm 1972 hoàn thành trọn vẹn.

Những báu vật trong tù ảnh 2

Lá cờ được vẽ bằng máu và thuốc chống phù nề trên băng gạc.

Các tù chính trị Trại giam tù binh Phú Quốc đã thề với lòng mình: “Máu ta quý giá hơn vàng, nhưng khi Tổ quốc cần, sẵn sàng ta dâng hiến”. Bởi thế nên, khi cần cờ Đảng và ảnh Bác sử dụng trong lễ kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú Lê Đức Thiện, đồng chí Nguyễn Thế Nghĩa và các đồng đội đã không ngần ngại dùng chính máu của mình để làm nên hai “báu vật” trong tù.

Những báu vật trong tù ảnh 3

Chân dung Bác vẽ bằng máu của các cựu tù Phú Quốc.

Có mặt tại Khu di tích Hỏa Lò trong ngày diễn ra trưng bày, người cựu tù Nguyễn Thế Nghĩa kể lại: “Để làm cờ, tôi đã đưa tay quẹt vào tấm tôn cánh cửa sắc lẹm cho chảy máu, sau đó xin băng gạc quấn vào. Khi máu đã thấm và tháo băng gạc ra - chỗ đậm, chỗ nhạt nên nhiều đồng chí khác cũng xúm lại, lấy máu mình để lá cờ thêm thẫm đỏ. Còn gì vui sướng hơn màu đỏ của mình và anh em hòa quyện vào nhau”. Sau đó, đồng chí Nghĩa tán viên thuốc chống phù nề màu vàng, rắc lên vẽ hình búa liềm và cắn dập đầu que tăm chấm vào máu để vẽ chân dung Bác. “Vẽ xong, nhiều anh em không cầm được nước mắt đã thốt lên “Bác của chúng ta đây rồi. “Báu vật” đã lần lượt đi khắp các trại giam củng cố niềm tin, lòng quyết tâm đối với anh em tù chính trị”. Khi lá cờ Đảng và ảnh Bác hoàn thành, buổi lễ kết nạp Đảng hôm đó linh thiêng, đặc biệt hơn bao giờ hết.

Những báu vật trong tù ảnh 4

Lá cờ được cất giấu trong dạ dày đồng chí Nguyễn Văn Dư.

Có được lá cờ cũng như các tài liệu dùng tuyên truyền cách mạng trong tù đã khó, để cất giấu được mà không bị địch phát hiện còn khó khăn hơn gấp bội. Nhớ lại ngày bé, mỗi khi đau bụng được mẹ cho nuốt chửng cái mật heo, đồng chí Nguyễn Văn Dư - người được giao nhiệm vụ cất giữ lá cờ Đảng trong Trại giam tù binh Phú Quốc, đã tính đến chuyện nuốt lá cờ vào bụng. Nhưng nuốt chửng một vật cứng đâu có dễ, hàng ngày đồng chí lấy cơm nén lại thành viên để tập nuốt. Dần dần đã nuốt được lá cờ bé bằng bàn tay. Mỗi lần địch lục soát, đồng chí Nguyễn Văn Dư lại cuốn nhỏ lá cờ vào túi nylon, dùng chỉ buộc vào răng, nuốt vào trong cổ họng. Lúc “an toàn”, lá cờ lại được kéo ra, treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố quyết tâm của các chiến sĩ trong ngục thất. Dưới lá cờ này, nhiều lễ kết nạp Đảng đã diễn ra, đầy quyết tâm và tràn ngập niềm tin vào chính nghĩa.