Nhân dân cả nước tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Người đặt dấu ấn phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới

Ðồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị T.Ư 4 (khóa VIII), thì ngay sau Hội nghị T.Ư 5, đồng chí đã ký ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: TTXVN.
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: TTXVN.

Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) thể hiện những nhận thức mới của Ðảng ta về văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðây là lần đầu Ðảng ta khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong mối tương quan với kinh tế - xã hội.

Khi Nghị quyết này được ban hành, tôi đang là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Những người làm văn hóa chúng tôi xác định đó là căn cứ, cơ sở để xây dựng văn hóa Hà Nội thời kỳ đổi mới. Nghị quyết tạo một xung lực mới trong xây dựng văn hóa Hà Nội. Chúng tôi đều nhận thức rằng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến hoạt động văn hóa nên quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết. Hà Nội vốn có kho tàng văn hóa vô cùng giàu có, Nghị quyết T.Ư 5 là cơ sở vững chắc để thành phố làm tốt công tác bảo tồn. Ðến nay Hà Nội đã bảo tồn, phát huy giá trị của gần 6.000 di tích và 1.800 di sản văn hóa phi vật thể. Nghị quyết T.Ư 5 cũng nhấn mạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Sau khi nghị quyết ra đời, hoạt động giao lưu văn hóa thành phố ngày một mạnh mẽ. Hà Nội tổ chức những buổi biểu diễn âm nhạc, những triển lãm lớn của các ca sĩ, nhạc công, danh họa nước ngoài. Gần đây, các tuần lễ, ngày văn hóa của các nước trên thế giới được tổ chức ngày càng nhiều hơn. Cũng bởi yếu tố giao lưu quốc tế mà nhiều di sản của Hà Nội đã được quan tâm, làm hồ sơ để UNESCO ghi danh như Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 82 bia tiến sĩ tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới, hay Hội Gióng, Ca trù là những Di sản văn hóa phi vật thể... Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) đã thật sự đi vào đời sống xã hội. Cũng từ nền tảng này, Hà Nội thực hiện tốt hơn việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khắc phục dần những tiêu cực trong văn hóa ứng xử.

Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC

Viện trưởng Nghiên cứu văn hóa Thăng Long

Nhà lãnh đạo kiên quyết và nhân văn

Nhớ về Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, những đảng viên lâu năm, từng qua quân ngũ thời trận mạc nhớ hình ảnh người chỉ huy quả cảm, mà luôn gần gũi, thương yêu, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Khi là vị tướng nổi danh, ông vẫn về vùng chiến trường xưa, nơi ông đã gắn bó những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ông gặp gỡ, tri ân những người dân đã đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ ông.

Ở cương vị Tổng Bí thư, chúng tôi vẫn cảm nhận hình ảnh phẩm chất dung dị, ấy là khi ông không quản ngại đi vào vùng lũ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hay đồng bằng sông Cửu Long (1999-2000) để tận mắt thị sát và thăm hỏi đồng bào. Từ khi là người chính trị viên công tác trong quân đội, đến sau này khi đã ở cương vị là Tổng Bí thư, gần gũi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến là phong cách của ông. Dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào ông luôn sống bình dị, tình nghĩa với đồng đội, với nhân dân.

Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Ðảng, ông quan tâm, trăn trở vấn đề phát huy quyền dân chủ trong Ðảng, trong nhân dân, tới việc tổ chức và đào tạo cán bộ, cách dùng nhân tài của đất nước, ra sức chống tham nhũng và những tiêu cực trong xã hội. Trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rồi khi bệnh quan liêu, xa dân, cửa quyền, tham ô, tham nhũng trở thành quốc nạn…, ông đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.

Ðể chỉnh đốn Ðảng không có "vùng cấm", Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: "…Trung ương, Bộ Chính trị phải thẳng thắn với nhau, dân chủ với nhau, thực sự tiếp thu tinh thần phê bình và tự phê bình để xây dựng. Chúng ta học tập đạo đức Bác Hồ là phải học điều đó. Chỉnh đốn Ðảng lần này không sốt ruột được, phải làm nghiêm túc, làm một cách bài bản, có văn hóa và có đạo lý. Ðấu tranh trong Ðảng là để xây dựng cho đồng chí mình, cho tổ chức Ðảng mạnh lên".

Nhớ về ông, chúng ta nhớ về một đảng viên, nhà lãnh đạo, Tổng Bí thư của Ðảng luôn khát khao cùng toàn Ðảng, toàn dân xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

NGUYỄN NGỌC SẮT

(Cán bộ hưu trí, trú tại 30A phố Lý Nam Ðế, Hà Nội)

Người luôn quan tâm việc bồi dưỡng nhân tài

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người luôn quan tâm đội ngũ trí thức, nhất là các trí thức khoa học - công nghệ (KHCN). Năm 2000, nhân dịp tổ chức tổng kết Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng Sáng tạo KHCN (VIFOTEC), đồng chí Lê Khả Phiêu lúc đó là Tổng Bí thư đã căn dặn các nhà khoa học đoạt giải thưởng VIFOTEC rằng, cần đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động cho người lao động, tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Hội đồng bảo trợ Quỹ VIFOTEC phải tập hợp, phát huy trí tuệ, hỗ trợ các nhà khoa học, các nhà sáng tạo kỹ thuật nhiều hơn nữa để có nhiều sản phẩm có chất lượng phục vụ nhu cầu của nhân dân, đào tạo nhân tài góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ những chỉ đạo rất cụ thể của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các nhà khoa học trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Quỹ VIFOTEC đã đẩy mạnh triển khai, tổ chức thành công các Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc… Trong 10 nghìn công trình khoa học dự thi, nhiều công trình tiêu biểu đã dự thi quốc tế ở Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ,... được đánh giá cao và nhận được nhiều phần thưởng cao quý của bạn bè quốc tế. Hầu hết các công trình đều đã được ứng dụng rộng rãi trong nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm cho Nhà nước và các doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng.

Trong nhiều lần đến dự các cuộc gặp mặt đầu xuân do Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội tổ chức, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn nhắc nhở các nhà khoa học, các nhà giáo dục quan tâm bồi dưỡng nhân tài, phải biết trân trọng và nhân rộng mãi. Bản thân nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã luôn nêu gương sáng về việc này. Theo đề nghị của Hội khuyến học và UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận lời đứng tên cho Quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu, nhờ đó quỹ đã nhận được hàng tỷ đồng để hằng năm tài trợ cho các cháu học sinh, sinh viên nghèo học giỏi và hướng tới trở thành nhà khoa học trong tương lai. Nhiều học sinh, sinh viên nhận được học bổng của Quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu rất tự hào và cố gắng hết sức mình để làm việc tốt đóng góp xây dựng quê hương đất nước.

Cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là tấm gương sáng cho các nhà trí thức, các nhà khoa học noi theo. Ðó là lòng trung thành tuyệt đối với Ðảng, Tổ quốc và nhân dân, tận tụy, tận tâm nghiên cứu sáng tạo phục vụ đất nước.

TS LÊ XUÂN THẢO

Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam,

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bảo trợ Quỹ VIFOTEC