Ngày hội Quốc phòng toàn dân - nét độc đáo trong văn hóa giữ nước thời đại Hồ Chí Minh

Lịch sử hàng nghìn năm lập quốc đã sản sinh ra một nền văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là “bản lĩnh và bản sắc của cộng đồng, dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”(1); chứa đựng những giá trị tiêu biểu như: “lòng yêu nước nồng nàn”, “ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc”, “tính nhân văn cao cả” và “nghệ thuật đánh giặc độc đáo”.

Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD) (22-12-1989 - 22-12-2019) là dịp khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, tăng cường giáo dục trong toàn dân, toàn quân, nhất là thế hệ trẻ trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Với ý nghĩa đó, Ngày hội QPTD mang những giá trị sâu sắc.


Một là, tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”

Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thời gian kháng chiến và đấu tranh chống xâm lược, chống ách đô hộ ngoại bang của dân tộc Việt Nam chiếm đến 12 thế kỷ, nghĩa là hơn nửa chiều dài lịch sử dân tộc. Từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tần đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, nhân dân ta phải trải qua hàng chục cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc(2). Hoàn cảnh lịch sử đó đã sớm hình thành, bồi đắp truyền thống yêu nước, cố kết cộng đồng, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam,... là cội nguồn sức mạnh để đánh thắng quân xâm lược. Lập nên những chiến thắng vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, không chỉ để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, mà còn bồi đắp lòng tự tôn, tự hào dân tộc, niềm tin vững chắc vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng của nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Truyền thống quý báu đó đã được bồi đắp trong suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, là cội nguồn tạo nên sức mạnh để chiến thắng quân xâm lược, bảo vệ Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của Tổ quốc. Truyền thống giữ nước vẻ vang, truyền thống Quân đội anh hùng, hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” là vốn quý trong văn hóa giữ nước, cần được gìn giữ và phát huy.

Hai là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội

Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Xây dựng nền QPTD vững mạnh luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một trong những nội dung cơ bản của đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (3). Với những hoạt động tuyên truyền tập trung và sâu rộng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, truyền thống đấu tranh bất khuất, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội,… Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền QPTD vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”; động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao cảnh giác cách mạng, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động; quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng mỗi tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.

Ba là, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta; là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Vì thế, kẻ thù của dân tộc, của nhân dân luôn tìm mọi cách và không từ một thủ đoạn nào hòng phá hoại sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày hội QPTD được tổ chức rộng khắp trong cả nước, lôi cuốn sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Đây cũng là dịp các địa phương, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chính sách hậu phương, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Như vậy, Ngày hội QPTD là ngày hội quy tụ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, ý chí của toàn dân, tạo nên “thế trận lòng dân” - nền tảng vững chắc để xây dựng nền QPTD vững mạnh.

Bốn là, khẳng định tính đúng đắn trong thực hiện đường lối xây dựng nền QPTD; nâng cao nhận thức về xây dựng nền QPTD vững mạnh

Xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc là yêu cầu tất yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh, nền QPTD và thế trận chiến tranh nhân dân là yếu tố có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trở thành nội dung đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương xây dựng nền QPTD vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó, Quân đội nhân dân là một lực lượng nòng cốt. Nền quốc phòng của chúng ta là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền quốc phòng không chỉ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn phải bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Phải xây dựng nền QPTD, toàn diện; nghĩa là nhân dân phải là chủ thể của nền quốc phòng, mọi người dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia xây dựng nền quốc phòng vững mạnh toàn diện. Tính chất toàn dân, toàn diện trong xây dựng nền quốc phòng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và là cơ sở tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền QPTD, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày hội QPTD là nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo. Xây dựng nền QPTD vững mạnh là cả một quá trình bền bỉ, tích cực và chủ động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong đó, xây dựng và phát huy sức mạnh nhân tố chính trị, tinh thần là điều cốt lõi - Một yếu tố mà Bơ-ran-man (Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kế hoạch Chiến tranh Không quân của Mỹ) đã thừa nhận: “Trong khi các nhà lãnh đạo nước Mỹ càng ngày càng đặt nhiều hy vọng vào kỹ thuật để khuất phục Việt Nam, thì các lực lượng kháng chiến lại tìm thấy sức mạnh chủ yếu trong tiềm lực văn hóa và tinh thần của nhân dân họ” (4).

(1) Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb CTQG, H, 1994, tr.18

(2) Đó là các cuộc chiến tranh: chống Tần (thế kỷ III Tr. CN), chống Triệu (thế kỷ II Tr. CN), chống Đông Hán (42-44), chống Lương (545-550), chống Tùy (602), hai lần chống Nam Hán (931 và 938), hai lần chống Tống (981 và 1075-1077), ba lần chống Mông - Nguyên (1258, 1285 và 1288), chống Minh (1406-1407), chống Xiêm (1784-1785), chống Thanh (1788-1789), hai lần chống Pháp (1858-1884 và 1945-1954), chống Mỹ (1954-1975)…

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H, 2011, tr.38.

(4) Việt Nam - Lương tâm của thời đại, Nxb Sự thật, H, 1985, tr.307


Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN
Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam