NHÌN LẠI NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Ngành kiểm tra - người lính tiên phong của Ðảng

Trong nhiệm kỳ Ðại hội XII, ngành kiểm tra đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc khó, nhiều khi vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Vượt lên mọi thử thách, đội ngũ những người làm công tác này như người lính tiên phong vào các điểm “nóng”, vụ việc tồn đọng, phức tạp và quyết liệt trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cách làm, hiệu quả công tác của ngành kiểm tra đã để lại dấu ấn tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, làm nhân dân ấm lòng và luôn vững niềm tin vào Ðảng.

Chủ động vào điểm “nóng”, phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng

Kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng bao giờ cũng là việc khó và nhạy cảm, bởi lẽ, không ai muốn người khác soi xét yếu kém, khuyết điểm của mình. Thế nhưng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII, ngành kiểm tra, nhất là Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chủ động chọn những điểm “nóng”, vấn đề nổi cộm để kiểm tra, kể cả lĩnh vực trước đây chưa làm, như suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó, nhiều đơn vị, lĩnh vực từng được coi là bất khả xâm phạm;  có cả những vụ việc mới phát sinh, hay tồn đọng lâu dài, liên quan nhiều ngành, nhiều cấp từ Trung ương đến cơ sở. Qua kiểm tra, ngành đã yêu cầu thu hồi, hủy bỏ nhiều chủ trương, kết luận, quyết định trái với quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; kiến nghị thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm héc-ta đất. Ðã vi phạm là xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ.

Trong hàng loạt vụ việc ấy, nhiều vụ do ngành kiểm tra tiên phong đi trước, mở đường cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử, hoặc xử lý hành chính. Ðiển hình như các vụ xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone; thành phố Ðà Nẵng; Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV. Sau khi kiểm tra một cách thận trọng, chắc chắn và khách quan, Ủy ban Kiểm tra T.Ư không những nêu rõ vi phạm nghiêm trọng của Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT - TT), Ban Thường vụ Ðảng ủy Mobifone trong vụ mua 95% cổ phiếu của Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG mà còn chỉ ra trách nhiệm của các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Công an, của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương trong vụ việc này. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ chủ chốt của Bộ TT - TT và Mobifone. Trên cơ sở kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử những cán bộ liên quan trong đó có bộ trưởng, nguyên bộ trưởng TT - TT với các hình phạt thỏa đáng. Ðây là vụ án điển hình về tham nhũng, làm thất thoát khối lượng lớn tài sản của Nhà nước; nguyên bộ trưởng nhận hối lộ tới ba triệu USD, một con số chưa từng thấy trong các vụ án tham nhũng. Ðây cũng là vụ án hiếm hoi thu hồi được toàn bộ số tài sản thất thoát, tiền nhận hối lộ; các bị cáo thành khẩn nhận tội, xin lỗi Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Tương tự, cũng từ việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư phát hiện cấp ủy ở đây không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương về việc khắc phục vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý đất đai, trật tự đô thị, để xảy ra nhiều vi phạm,... Từ đó, các cơ quan thực thi pháp luật điều tra, kết luận làm rõ nhiều sai phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt là để cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) thâu tóm hàng loạt khu đất vàng. Ban Thường vụ Thành ủy bị cảnh cáo; nhiều cán bộ chủ chốt của thành phố bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý; để lại cho Ðảng bộ và nhân dân thành phố nhiều bài học đắt giá không thể nào quên. Nếu ngành kiểm tra đảng không tiên phong, quyết liệt kiểm tra chỉ ra những vi phạm thì vụ việc không biết còn chìm trong im lặng đến bao giờ và hậu quả chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, bởi đối tượng chính đã mượn bình phong của ngành, lại núp bóng quyền lực để thao túng nhiều cán bộ chủ chốt của địa phương. Mất mát từ vụ việc không hề nhỏ, không chỉ thất thoát tài sản, đất công sản mà xót xa hơn là mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân.

Chưa bao giờ có một khối lượng lớn vụ việc khó, phức tạp như nhiệm kỳ này được Ủy ban Kiểm tra T.Ư kiểm tra, kết luận, chỉ rõ những vi phạm và có hướng giải quyết đúng đắn. Trên cơ sở kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, kỷ luật 10 tổ chức đảng, tăng chín đơn vị; 59 đảng viên, tăng 247,1% so với nhiệm kỳ trước, trong đó, khai trừ đảng 16, cách chức 27, cảnh cáo 12, khiển trách bốn trường hợp. Ủy ban Kiểm tra T.Ư thi hành kỷ luật 169 đảng viên, gấp hơn sáu lần nhiệm kỳ trước, gồm khai trừ đảng 18, cách chức 19, cảnh cáo 81 trường hợp,...

Nhìn những vụ việc, con số biết nói ấy mới thấy hết sự nỗ lực, cố gắng và tiên phong của ngành kiểm tra đảng trong nhiệm kỳ qua.

Vững vàng vượt qua mọi thử thách, phức tạp và nhạy cảm

Nói đến kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thì không có vụ việc nào đơn giản, bởi nó liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên, của đồng chí hay chính con em đồng chí mình, cao hơn là đến uy tín, danh dự của Ðảng. Cũng chính vì liên quan đến sinh mệnh chính trị mà có trường hợp tìm mọi cách chạy tội, nhờ người có quyền lực can thiệp, hoặc xin gặp “nói khó” bằng phong bì, bằng vật chất. Ðó là chưa kể trong cuộc sống hằng ngày, con người ta có biết bao mối quan hệ ràng buộc, dù thân quen hay không. Vì thế, trong kiểm tra, phải thận trọng, bảo đảm chính xác, tuyệt đối không để xảy ra sai sót là việc không dễ. Nhưng khó, phức tạp hơn là khi đề xuất quyết định hình thức kỷ luật một tổ chức đảng hay cá nhân. Không ít vụ việc, những người làm công tác kiểm tra phải trăn trở, cân nhắc từng ly sao cho hợp lý, hợp tình, nghiêm khắc mà nhân văn như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường chia sẻ, kỷ luật một vài người để cứu muôn người; kỷ luật phải nghiêm, nhưng cũng mở cho người ta con đường tiến.

Khi xem xét vụ việc nào cũng vậy, cán bộ làm công tác kiểm tra đều phải bỏ qua mọi chi phối, cám dỗ, gác tình cảm sang một bên và phải có bản lĩnh vượt lên chính mình, để toàn tâm, toàn ý cho công việc. Ðọc kỹ thông báo kết luận các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ cảm nhận rõ điều ấy. Khi đề xuất việc kỷ luật đối với ông Ðinh La Thăng; với các Ủy viên Bộ Chính trị: Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình; ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng, một cán bộ trẻ, có thân nhân tốt,… chẳng hạn. Xem lại quá trình kiểm tra, xem xét kỷ luật ông Chu Hảo, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức càng thấy sự công phu, cẩn trọng và bản lĩnh, không ngại áp lực của những người làm công tác này, chỉ rõ trách nhiệm và hình thức kỷ luật mà ông phải chấp hành trong việc xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước, bị thu hồi, tiêu hủy. Từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng ông phát ngôn, viết những bài có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống lại nền tảng tư tưởng của Ðảng. Kỷ luật một đảng viên có nhiều vi phạm như thế là việc bình thường và được tiến hành đúng nguyên tắc, quy định, như tổ chức các cuộc họp tại tổ chức đảng, cấp ủy nơi ông sinh hoạt, để cấp ủy, đảng viên tại đây thảo luận, bỏ phiếu kín về hình thức kỷ luật. Trên cơ sở đó và xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm cùng với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mức kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định hình thức kỷ luật đối với ông thông qua bỏ phiếu kín. Ðây là vụ việc thuộc lĩnh vực tư tưởng, vô cùng nhạy cảm, được tiến hành chặt chẽ, khách quan và nghiêm túc, mời ông và đại diện cấp ủy nơi ông sinh hoạt đến cơ quan Ủy ban Kiểm tra T.Ư để trực tiếp lắng nghe kiểm điểm; nghe tâm tư, nguyện vọng của ông và đại diện các tổ chức đảng nơi ông sinh hoạt một cách khách quan, nhưng ông không đến. Việc khai trừ ông Chu Hảo ra khỏi Ðảng là thỏa đáng, rất thấu lý đạt tình. Không thể khác.

Qua 12 kỳ Ðại hội Ðảng, do công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chưa bao giờ có số lượng lớn cán bộ cấp cao bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật như nhiệm kỳ này: bốn Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng; năm bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 10 bí thư, nguyên bí thư tỉnh, thành ủy; năm chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; bảy sĩ quan cấp tướng,… Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn một nghìn tổ chức đảng và 87 nghìn đảng viên. Nhìn vào những con số ấy, ai cũng biết là khó khăn, phức tạp đến nhường nào, nhưng ngành kiểm tra đảng chưa bao giờ chùn bước, hoặc dao động trước bất kỳ sự chi phối nào kể cả bằng vật chất tầm thường, tình cảm không trong sáng hay quyền lực cá nhân. Chỉ có những người lính tiên phong của Ðảng, có đủ dũng khí, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có tâm, có tầm, có trách nhiệm và danh dự, vì lợi ích chung của Ðảng, của đất nước và nhân dân mới làm được như thế.

Phát hiện yếu kém để khắc phục, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng

Mục tiêu của công tác kiểm tra đảng không chỉ có xử lý kỷ luật mà cái chính là phát hiện những hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Ðảng. Vừa chú trọng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa làm tốt chức năng tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản, nhằm ngăn ngừa vi phạm trong từng lĩnh vực. Ðó cũng là nhiệm vụ mà ngành đã làm tốt trong những năm qua. Qua kiểm tra, ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện sai phạm ở nhiều lĩnh vực, từ các đơn vị làm kinh tế như Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam, đến các cấp ủy trong lực lượng vũ trang như Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Ban Thường vụ Ðảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng; từ các cấp ủy cấp tỉnh, thành phố như Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Ðồng Nai,… đến các cấp ủy cấp huyện, như Ba Vì (Hà Nội), Hướng Hóa (Quảng Trị), Trà Vinh (Trà Vinh),… và cả đảng ủy cơ sở như Ðảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng,...

Hầu hết các vấn đề ngành kiểm tra chỉ ra đều có nguyên nhân do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm trong xây dựng và thực hiện quy chế làm việc,... Ðáng lo ngại là vi phạm xảy ra ngay trong cơ quan tham mưu chiến lược, cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ và vụ việc nào cũng liên quan đến người đứng đầu. Khi người đứng đầu vi phạm thì hầu như cấp ủy, tổ chức đảng ở đó không dám đấu tranh, mà né tránh, thậm chí bao che. Từ sai phạm trong công tác cán bộ, như “nâng đỡ không trong sáng”, bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà, người thân không đủ điều kiện đến sai phạm trong quản lý kinh tế, thực hiện các dự án lớn; sai phạm trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao, trong phòng, chống tham nhũng xảy ra ngay tại các cơ quan làm chức năng này... Nhiều vụ việc bộc lộ rõ lợi ích nhóm, cục bộ địa phương và có khi thành tổ chức cố tình che đậy, trốn tránh pháp luật. Từ thực tiễn công tác, cùng với các ban tham mưu của Ðảng, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, quy chế, quy định về giám sát trong Ðảng; về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên; về trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong phòng chống, tham nhũng; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền... Các văn bản đó như “lá chắn” ngăn những người cố tình vi phạm và cũng là cơ sở để xử lý mọi vi phạm.

Trong nhiệm kỳ Ðại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã để lại những dấu ấn đậm nét nhất. Trong đó ngành kiểm tra đảng, nhất là Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc và thật sự là những người lính tiên phong của Ðảng.