Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án

Ngày 14-9, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về: Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của QH.

Khuyến khích hoạt động hòa giải, đối thoại

Tờ trình về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nêu rõ, quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Với tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hằng năm, các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Thảo luận về dự án luật nêu trên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một số đại biểu có ý kiến nêu rõ, hiện nay tồn tại hai loại hòa giải, đối thoại, một loại trong tố tụng và một loại ngoài tố tụng. Do đó, dự thảo luật cần xác định rõ bản chất của hòa giải, đối thoại trong tố tụng hay ngoài tố tụng; mối quan hệ giữa hòa giải, đối thoại tại tòa trong dự án luật này với thủ tục hòa giải, đối thoại trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tại tòa án. Đồng thời, cần làm rõ mối quan hệ với hòa giải, đối thoại tiền tố tụng trong các lĩnh vực lao động, hôn nhân gia đình, tranh chấp lao động… Có ý kiến đại biểu nhấn mạnh, về nội dung hòa giải viên, trong dự án luật cần nghiên cứu, cân nhắc về quy định hòa giải viên là người dưới 70 tuổi hay tiêu chuẩn phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ của tòa án. Bởi lẽ, hòa giải viên, đối thoại viên cần người có kinh nghiệm, uy tín, có quá trình công tác tại các cơ quan pháp luật, do đó không nên quá chú trọng tới tuổi. Thực tế, có nhiều người hòa giải không có chứng chỉ hành nghề và đã hơn 70 tuổi nhưng có uy tín, hòa giải hiệu quả và tỷ lệ thành công cao. Bên cạnh đó, việc quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải của tòa án sẽ đặt ra thêm những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, phát sinh thêm các thủ tục xét để cấp chứng chỉ hành nghề, sẽ làm tăng thêm chi phí, thủ tục. Ngoài ra, việc đưa nội dung bổ nhiệm người hòa giải viên, đối thoại viên liệu cần xem xét có nằm trong biên chế tòa án hay không. Vấn đề này Chính phủ có đề xuất là, thay cơ chế bổ nhiệm bằng cơ chế công nhận hoặc ký hợp đồng đối với hòa giải viên, đối thoại viên.

Đề cập về vấn đề thu phí trong hòa giải, đối thoại, các ý kiến đại biểu cho rằng, trong điều kiện hiện nay, làm tốt công tác đối thoại, hòa giải sẽ làm giảm ngân sách cho tòa án, giảm chi phí cho xã hội, giảm bớt các vụ kiện. Cho nên cần phải khuyến khích công tác này, chưa nên đặt ra vấn đề thu phí, các hoạt động đối thoại, hòa giải, trước mắt bảo đảm bằng nguồn chi của ngân sách nhà nước, nhằm bảo đảm cho sức sống của luật được dài hơi, khi nào thấy cần thiết thu phí sẽ tiến hành sau.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và QH nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của QH, các cơ quan của QH, đại biểu QH và Đoàn đại biểu QH.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cùng một số đại biểu nêu rõ, sửa đổi dự án luật lần này giúp hoạt động QH càng gần với thông lệ quốc tế, thực hiện theo nguyên tắc các đại biểu QH bình đẳng, làm việc tập thể, quyết định theo đa số, các lá phiếu ngang bằng nhau. Về nội dung bổ sung quy định nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ QH là đánh giá hoạt động của đại biểu QH, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng, vì trong Hiến pháp không có nội dung này. Hơn nữa, nếu phải đánh giá thì dựa trên tiêu chí nào, trong khi đại biểu QH là do dân bầu ra, nếu có đánh giá trước tiên phải là từ phía người dân. Có ý kiến nhấn mạnh, về vấn đề quy định số lượng cấp phó và tỷ lệ Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, hay quy định tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách không nên quy định cứng, mà chỉ nên giới hạn mức tối thiểu để hoạt động của QH được thuận lợi hơn.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một số đại biểu nêu vấn đề, cần xem xét cơ sở lý luận và thực tiễn về việc hai tổ chức của QH vẫn là Ban (Ban Dân nguyện và Ban Công tác Đại biểu). QH đã ra nghị quyết nâng cấp rất nhiều đơn vị hành chính, nâng cấp nhiều hoạt động nhà nước, do vậy cũng nên nghĩ đến việc nâng cấp vị thế của các cơ quan giúp việc cho QH và Ủy ban Thường vụ QH lên ngang tầm nhiệm vụ mà các cơ quan này đang thực hiện. Đây là vấn đề cần được Ban soạn thảo dự án luật nghiên cứu, xem xét.

Thảo luận về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu QH, một số ý kiến đại biểu tán thành nội dung quy định kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu QH do cả ngân sách Trung ương và địa phương bảo đảm như dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ quy định kinh phí phục vụ hoạt động của đại biểu QH và Đoàn đại biểu QH do ngân sách Trung ương bảo đảm như hiện nay.

Tại phiên họp, đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng tình về nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của QH. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị, QH giữ tinh thần siết chặt kỷ luật trong công tác xây dựng luật. Đồng thời, cần xem xét trường hợp nếu có luật cần tách ra thành hai luật thì phải tiến hành quy trình xây dựng dự án luật lại từ đầu để bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ. Phát biểu ý kiến kết luận phần thảo luận vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trong kỳ họp tới, nên cải tiến lại cách làm việc, báo cáo nêu ngắn gọn, chỉ nên đưa các vấn đề nổi cộm để các đại biểu thảo luận, nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả làm việc của các đại biểu tham dự phiên họp.