Mặt trận Tổ quốc các cấp đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm với nhân dân

LTS- Ðại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 18 đến 20-9. Nhân sự kiện quan trọng này, Báo Nhân Dân đã có buổi phỏng vấn đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về kết quả hoạt động của MTTQ các cấp nhiệm kỳ qua và những nội dung trọng tâm của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm với nhân dân

Phóng viên: Trong nhiệm kỳ qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục phát triển với những kết quả cụ thể được thể hiện qua các hoạt động thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động. Ðề nghị đồng chí cho biết những nét nổi bật trong thành tựu nêu trên?

Ðồng chí Trần Thanh Mẫn: Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tình hình trong nước còn không ít khó khăn, thách thức, tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, song đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, mối quan hệ gắn bó mật thiết và niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, đoàn kết thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước và phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Nội dung, phương thức tập hợp có nhiều đổi mới, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức với cổ vũ, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữa truyền thông đại chúng với vận động cá nhân, tiếp cận tới mọi thành phần, đối tượng để tập hợp, đoàn kết.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Ðiểm nổi bật là Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên ở nhiều địa phương tập trung chỉ đạo điểm và phát triển rộng khắp các mô hình nhân dân tự quản, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu; tích cực lồng ghép tuyên truyền, vận động bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hằng năm Mặt trận chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” và phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo. Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ hằng năm. Ủy ban Mặt trận đã chủ trì vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; các tổ chức thành viên có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp thương binh, gia đình liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng; tổ chức các chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ, hoạt động về nguồn, giúp đỡ đồng đội... Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai với nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong ưu tiên phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam có chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác giám sát và phản biện xã hội trong nhiệm kỳ qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Mặt trận tích cực tham gia phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản pháp luật quan trọng.

Bên cạnh đó, hoạt động của Mặt trận ngày càng đổi mới và hướng mạnh về cơ sở. Việc hoàn thiện cơ chế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phóng viên: Những kết quả nêu trên là rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong các hoạt động, MTTQ các cấp còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn những vấn đề này?

Ðồng chí Trần Thanh Mẫn: Một trong những hoạt động trọng tâm của MTTQ các cấp là công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên khi thực hiện nhiệm vụ này có nơi chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao ở một số lĩnh vực như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông... Một số nơi việc nắm bắt tình hình nhân dân còn bị động, chưa kịp thời; vẫn còn có những vụ việc bức xúc chưa thấy rõ vai trò phản ánh, tham mưu và tham gia giải quyết của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc nắm bắt, phản ánh nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài chưa thường xuyên. Chưa kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình nhân dân.

Việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua của Mặt trận và các tổ chức thành viên ở một số nơi, nhất là cơ sở còn chồng chéo, hiệu quả phối hợp chưa cao. Trong vận động xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi còn chưa chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; trong vận động xây dựng đô thị văn minh còn chưa rõ về phương thức và tiêu chí đánh giá. Công tác vận động hỗ trợ giảm nghèo mặc dù có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả giảm nghèo bền vững chưa cao. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Ðoàn kết sáng tạo” chưa thật sự phát triển rộng rãi ở địa bàn cơ sở. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận mới chỉ tập trung nhiều ở cấp Trung ương và cấp tỉnh; hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở, chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa tổ chức được nhiều chương trình giám sát độc lập; chưa có cơ chế, quy trình thích hợp phát huy vai trò giám sát thường xuyên của nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Ở một số nơi, Mặt trận chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chưa đề xuất, tham mưu tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Nội dung, hình thức và giải pháp công tác tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền ở một số địa phương chưa rõ nét, kết quả còn hạn chế.

Việc củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động ở cấp địa phương, cơ sở còn nhiều khó khăn và bất cập; không ít cán bộ Mặt trận và các đoàn thể, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư chưa được bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của công tác Mặt trận. Chưa phát huy có hiệu quả vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp trong tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân và tham gia các hoạt động của Mặt trận. Ở nhiều địa phương, cơ sở, việc phát huy vai trò của lực lượng tư vấn và cộng tác viên còn hạn chế. Việc củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan chuyên trách của Mặt trận ở các cấp còn lúng túng, chưa thống nhất và đồng bộ trong toàn hệ thống.

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong nhiệm kỳ mới 2019-2024, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục tự đổi mới mạnh mẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm trước Ðảng và nhân dân… Ðể thực hiện mục tiêu này, MTTQ các cấp sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Ðồng chí Trần Thanh Mẫn: Mặt trận các cấp sẽ triển khai rất nhiều chương trình và hoạt động khác nhau. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Ðồng thời tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện và sáng kiến tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước, xây dựng đất nước vào dịp đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII. Ðẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Ðảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!