Ngày làm việc thứ bảy, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em

Ngày 27-5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể trực tuyến, tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đại biểu QH tỉnh An Giang phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG
Đại biểu QH tỉnh An Giang phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG

Còn hạn chế trong thực hiện các quy định pháp luật

Tại kỳ họp thứ bảy, QH đã thông qua Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14-6-2019 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019. Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát, yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức ba đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố…

Trình bày báo cáo giám sát tại QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát của QH Lê Thị Nga cho biết, Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn, qua đó góp phần hạn chế những tổn hại về thể chất, tinh thần mà trẻ em phải gánh chịu. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm minh…

Báo cáo cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dẫn đến không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình… Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện được ít vi phạm, trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp.

Thảo luận trực tuyến về nội dung nêu trên, các đại biểu QH đã có những phân tích, đánh giá về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, có những góp ý cụ thể đối với dự thảo Nghị quyết của QH về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Nhiều đại biểu QH cho rằng, trong đợt giám sát cho thấy còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý nhất là những hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho trẻ em. Mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện xử lý nghiêm chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế. Các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành đồng bộ chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em mặc dù nhiệm vụ này đã được xác định trong chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2020. Do đó cần thiết quy định trong dự thảo Nghị quyết của QH nội dung yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải hoàn thành chỉ tiêu thống kê về xâm hại trẻ em trong năm 2020 làm nền tảng quản lý...

Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Một vấn đề được đại biểu quan tâm là tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đã đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) và một số đại biểu khác chỉ rõ, các khảo sát cho thấy nhiều trẻ em từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số em gái cao gấp ba lần số trẻ em trai. Qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng như hiện nay, các đối tượng xấu rất dễ lợi dụng để tiếp cận và xâm hại trẻ em. Hậu quả xảy ra đối với trẻ em trên môi trường mạng để lại lớn và rất nghiêm trọng so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ vài người chứng kiến nhưng khi việc xâm hại bị đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả đời. Trong khi đó, công tác điều tra tội phạm mạng gặp nhiều khó khăn do đối tượng phạm tội xuyên biên giới, hầu hết đều thành thạo công nghệ, thông tin về kẻ phạm tội đều là ảo, mạo danh... Các đại biểu QH đề nghị, cần phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng để khai thác thông tin mạng an toàn; các bậc cha mẹ dành sự quan tâm thỏa đáng hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn và hướng con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học; Bộ Công an thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

Đồng tình với những nhận định nêu trên, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) và một số đại biểu khác cho rằng, các văn bản pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, trên môi trường mạng nói riêng tương đối đầy đủ, nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống, cần thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn các giải pháp. Theo đó, đặc biệt chú ý công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong vấn đề bảo vệ trẻ em. Chú trọng đối với nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em vùng khó khăn, miền núi. Cụ thể hóa quy định của Luật An ninh mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em. Trong đó khẳng định trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng…

Tại phiên họp hôm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ và các cơ quan báo cáo giải trình đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu QH quan tâm. Phó Thủ tướng cho rằng, quá trình Đoàn giám sát của QH tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vừa qua đã có tác động rất tích cực để các cấp chính quyền cùng toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của QH, ý kiến của các đại biểu QH về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ. Trong đó, thiếu các văn bản quy định nhận dạng dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Các quy định về trách nhiệm, quyền hạn cũng như sự phối hợp của các ngành, các cấp và gia đình trong công tác phòng ngừa, tiếp cận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột, trẻ em bị mua bán trên môi trường mạng... còn chưa cụ thể. Việc xử lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin mạng và các cá nhân sử dụng mạng để thực hiện hành vi xấu đối với trẻ em chưa thật sự hiệu quả.

Đại biểu CẦM THỊ MẪN (Thanh Hóa)