Kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền nam trên đất bắc

Ngày 8-12, tại Hà Nội, Ban Liên lạc học sinh miền nam (HSMN) T.Ư tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền nam trên đất bắc (1954 - 2019) và 50 năm các thế hệ HSMN thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện các bộ, ban, ngành và hơn ba nghìn đại biểu đại diện cho hơn 32 nghìn HSMN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất (TTXVN)

Theo Ban Liên lạc HSMN T.Ư, năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hàng chục nghìn con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền nam đã được Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đưa ra miền bắc bằng nhiều đường khác nhau. Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, nhất là cho xây dựng lại miền nam khi đất nước hòa bình, thống nhất, T.Ư Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng các trường nội trú tập trung để nuôi và dạy số con em này của đồng bào miền nam. Giai đoạn đầu (1954 - 1968), có 28 trường HSMN được thành lập với các loại hình như mẫu giáo, cấp I, II, III và bổ túc văn hóa. Các trường HSMN lúc đầu được đặt ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... sau này được tập trung về Hải Phòng, Hà Đông (Hà Nội), Đông Triều (Quảng Ninh) và Hà Nam. Thời gian này, một bộ phận HSMN được Đảng và Nhà nước gửi sang nước ngoài học tập.

Từ năm 1964 trở đi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam ra miền bắc để nuôi dưỡng và đào tạo. Từ năm 1968 đến đầu năm 1975 có thêm khoảng 10 nghìn con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền nam được đưa ra miền bắc, nâng tổng số HSMN được đào tạo trên đất bắc là hơn 32 nghìn người. Với quyết tâm, phấn đấu không ngừng, nhiều HSMN trở thành những cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà khoa học đầu ngành, doanh nhân, nhà văn... Nhiều người đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân... Hiện, nhiều HSMN đang đảm nhiệm hoặc giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc và tri ân đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, đồng bào các địa phương nơi có các trường đào tạo HSMN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc thành lập hệ thống trường HSMN trên đất bắc là một chủ trương lớn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục đối với con em đồng bào miền nam. Hệ thống trường đa dạng, phù hợp từng lứa tuổi, đối tượng... Đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, phục vụ được tuyển chọn từ những lực lượng ưu tú của ngành giáo dục và các địa phương. Nhờ sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, Chính phủ, của nhân dân và sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, đội ngũ hơn 32 nghìn HSMN phần đông đã có những bước trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền nam, bảo vệ miền bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

Thủ tướng chia sẻ, thời gian đã trôi qua sau 65 năm kể từ ngày các HSMN đặt chân lên đất bắc; đã gần 45 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, hôm nay nhìn lại, có thể khẳng định rằng Trường HSMN trên đất bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục và đào tạo cách mạng của nước ta. Đó cũng là một trong những tinh hoa quý báu của nền giáo dục nước nhà. Từ thành công của mô hình giáo dục trường thiếu sinh quân, nhất là thành công của các hệ thống trường HSMN trên đất bắc đã cho chúng ta nhiều bài học về giáo dục, chăm lo, chuẩn bị nguồn lực con người, đào tạo các thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó là bài học về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu đào tạo và tổ chức điều hành. Thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội; từ tình thương yêu của người thầy, xây dựng nên tình thầy trò sâu nặng, nhân tố quyết định để dạy tốt, học tốt...

Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo ngày nay phải sao chép mô hình nuôi dạy HSMN cách đây mấy chục năm trong điều kiện chiến tranh, đất nước còn chia cắt, nhưng những thành tựu ấy, những bài học ấy gợi mở cho chúng ta cách suy nghĩ để quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, đối với học sinh, nhà trường ngày hôm nay không chỉ cần dạy kiến thức, dạy kỹ năng sống mà còn phải biết truyền cảm hứng, gợi mở tư duy. Cùng với cải cách sách giáo khoa, ngành giáo dục và đào tạo cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên. Chính những phẩm chất đạo đức cao quý, năng lực chuyên môn và lối sống của người thầy có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự hình thành nhân cách, lối sống của học sinh. Đồng thời cần đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý thạo việc, có năng lực điều hành, có tâm trong sáng, đi sát thực tế, lắng nghe đồng nghiệp và nhân dân. Đặc biệt có hình thức đào tạo sáng tạo, phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ kế cận ở các cấp; đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhanh chóng khắc phục, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực đang gây bức xúc trong xã hội như lạm thu, gian lận trong thi cử, bằng cấp giả, chạy học hàm, học vị...

Thủ tướng khẳng định trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả, gian khổ của cuộc chiến tranh phá hoại nhưng HSMN đã được đồng bào miền bắc cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, tạo mọi điều kiện nơi ăn chốn ở tốt nhất, dành cả tình cảm yêu thương, quý mến như người thân trong gia đình. Những ân tình đó của đồng bào miền bắc, công ơn tận tình dạy dỗ, chỉ bảo, uốn nắn của các thầy, cô giáo, HSMN luôn ghi nhớ trong lòng. Thủ tướng mong muốn, hơn 32 nghìn HSMN tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, lan tỏa niềm tự hào để các thế hệ mai sau phấn đấu, noi theo.